Lãi suất sẽ hạ đến đâu?
Thời gian qua, lãi suất huy động tại các ngân hàng hạ thấp liên tục, có ngân hàng thông báo hạ lãi suất 2-3 lần trong vòng 1 tháng.
Tính đến cuối tháng 10, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ thấp hơn cả trước dịch COVID-19. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng quốc doanh đã về dưới 3%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng về mức 5.1-5.3%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tư nhân cũng lùi về dưới 6%/năm. Hiện, NVB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất với 6.05%/năm, BVB và Sacombank đang ở mức 6%/năm.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tính đến ngày 30/10/2023
|
TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đánh giá, việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động khá thấp thời gian qua một phần do ngân hàng đang thừa quá nhiều tiền, buộc phải giảm lãi suất huy động để hạn chế người gửi tiền.
Theo nguyên tắc cung cầu, hiện tại thị trường liên ngân hàng lãi suất vay qua đêm chỉ xoay quanh 3%/năm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút tiền về hơn 250,000 tỷ đồng thì chỉ đẩy lãi suất từ gần 1% lên 3%, tức là trong hệ thống vẫn còn thừa rất nhiều tiền.
Lãi suất liên ngân hàng từ đầu tháng 6 đến nay |
|
Số liệu từ NHNN cho thấy, đến phiên 27/10, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm giảm còn 1.37%/năm, kỳ hạn 1 tuần còn 1.66%/năm), kỳ hạn 2 tuần giảm còn 2.03%/năm, kỳ hạn 1 tháng giảm còn 2.22%/năm…
Nguồn: NHNN
|
TS. Huân cho rằng, lãi suất trên thị trường 1 thấp hơn thị trường 2 là điều nghịch lý. Thông thường lãi suất trên thị trường 2 sẽ thấp hơn thị trường 1, nên khi các ngân hàng thừa vốn, họ sẽ giảm lãi suất ở thị trường 2.
“Nếu ngân hàng tiếp tục huy động mà không cho vay được, thừa vốn nhưng vẫn phải trả lãi cho khách hàng, dẫn đến chi phí hoạt động tăng và giảm lợi nhuận. Hiển nhiên ngân hàng không muốn điều này. Đó là lý do các ngân hàng đều có xu hướng giảm lãi suất huy động”, chuyên gia giải thích thêm.
Khi giảm lãi suất huy động đầu vào, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Hiện nay, lãi suất cho vay tại Vietcombank đang khá thấp, xoay quanh 6-7%/năm nhờ vào chi phí huy động thấp. Thêm nữa, Vietcombank cần giảm lãi suất huy động để tránh việc thừa tiền. Cả hai yếu tố này tác động làm cho lãi suất huy động tại ngân hàng quốc doanh này giảm về mức thấp kỷ lục như vừa qua.
Lãi suất thời gian tới diễn biến thế nào?
TS. Huân dự báo lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn giảm tiếp, nhưng sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, dòng vốn giá rẻ về nhiều, khả năng từ giờ đến cuối năm lãi suất cho vay sẽ còn giảm mạnh, do độ trễ của chính sách tiền tệ. Còn lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm, đến khi nào lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại. Hiện, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xoay quanh 3%, nó thể hiện sự vô hiệu hóa của chính sách tiền tệ.
Tương tự trường hợp ở Mỹ giai đoạn 2007-2009, khi Chính phủ Obama giảm lãi suất về 0% nhưng cũng không có tác dụng làm tăng trưởng kinh tế. Đó là sự vô hiệu hóa của chính sách tiền tệ.
Lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 liên thông với nhau, có thể chênh lệch nhưng xoay quanh nhau, còn hiện tại lãi suất 2 thị trường này đang chênh lệch quá nhiều.
Thêm nữa, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay bằng VND và USD cũng chênh lệch với tỷ trọng lớn, cũng gây áp lực lên tỷ giá, do đó NHNN sẽ phải tìm mọi cách hút tiền về ở thị trường 1 để tăng lãi suất thị trường liên ngân hàng lên, nhằm tránh cho lãi suất giảm quá sâu. Điều này cũng sẽ gây ra sự bất ổn và vô hiệu hóa chính sách tiền tệ.
Việc giảm lãi suất mạnh sẽ có thể chỉ xảy ra tại các ngân hàng lớn, còn những ngân hàng nhỏ có giảm cũng không quá nhiều, vì nếu giảm nhiều sẽ làm cho những ngân hàng này kém hấp dẫn hơn.
Cát Lam
FILI
|