Kinh doanh kém sắc, VOS báo lỗ trở lại sau hơn 2 năm
Kết thúc thời kỳ giá cước vận tải biển tăng phi mã, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) chứng kiến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023. Đáng nói, VOS lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong quý 3 và là quý đầu tiên Doanh nghiệp lỗ kể từ quý 2/2022.
Quý 3/2023, VOS ghi nhận doanh thu thuần gần 716 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 257 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu hoạt động tài chính cao gấp 2.2 lần cùng kỳ lên hơn 19 tỷ đồng, cộng thêm Công ty cắt giảm mạnh các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý nhưng không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút.
Kết quả, Vosco lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong quý 3, cùng kỳ lãi hơn 154 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của Doanh nghiệp sau hơn 2 năm (kể từ quý 2/2021).
Lãi ròng 9 tháng giảm 89%, VOS không vay nợ tài chính
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vosco đạt gần 2,278 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kỳ và vượt 43% kế hoạch năm. Công ty cho biết doanh thu tăng do có thêm khoảng 750 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, lãi trước thuế bốc hơi tới 89% so với cùng kỳ, còn 62 tỷ đồng và thực hiện được 33% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng cũng giảm mạnh 89% xuống còn 51 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do thị trường tàu hàng khô và tàu container giảm sút nhiều so với cùng kỳ khiến hiệu quả kinh doanh của hai đội tàu này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, 9 tháng năm 2022, Công ty có khoản lợi nhuận 73.5 tỷ đồng từ tái cơ cấu nợ (cùng kỳ năm nay không ghi nhận).
Trước đó, VOS từng chứng kiến giai đoạn “hoàng kim” từ cuối năm 2020 đến năm 2021 do những khó khăn trong lưu thông hồi đại dịch khiến giá cước vận tải biển tăng phi mã. Riêng năm 2021, Vosco báo lãi 490 tỷ đồng, trong khi các năm trước đó Doanh nghiệp đều thua lỗ hoặc chỉ lãi “còi”.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2023 của VOS
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tính tới cuối tháng 9/2023 của Vosco đạt gần 2,700 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định gần 1,000 tỷ đồng, giảm 17%. Ngược lại, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gấp 2.3 lần đầu năm, lên hơn 60 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn là 375 tỷ đồng, tăng 9%; khoản phải thu ngắn hạn ở mức 772 tỷ đồng, tăng 28%.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 1,129 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Phần lớn trong đó là khoản phải trả người bán ngắn hạn với 407 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác là 519 tỷ đồng. Công ty hiện không có nợ vay tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, trong giai đoạn “sóng thần” ngành vận tải biển, giá cổ phiếu VOS nhảy vọt từ vùng 2,000 đồng/cp lên đỉnh lịch sử 25,300 đồng/cp (cuối tháng 10/2021), tương ứng tăng 11 lần. Tuy nhiên, khi giá cước vận tải bắt đầu lao dốc kể từ cuối năm 2022, giá cổ phiếu này cũng tụt dốc.
Phiên sáng 25/10, thị giá VOS tăng 1.38% lên mức 11,050 đồng/cp, giảm 56% so với đỉnh nói trên. Thanh khoản trung bình gần 3 triệu cp/phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.
Diễn biến giá cổ phiếu VOS từ năm 2021 đến nay |
|
Thế Mạnh
FILI
|