Thứ Hai, 16/10/2023 14:14

Kiên trì đầu tư vào Vinamilk, 9 tháng đầu năm nay F&N kinh doanh ra sao?

Fraser and Neave, Limited (F&N) - tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore, đồng thời là một đại gia bất động sản "có máu mặt". Công ty này đầu tư vào Vinamilk (HOSE: VNM) từ năm 2005 thông qua công ty con là F&N Dairy Investments và hưởng lợi rất nhiều từ khoản đầu tư này.

Thành lập từ năm 1883 với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực nước có ga ở Đông Nam Á, từ nền tảng nước giải khát, F&N đã tham gia kinh doanh bia vào năm 1931, sữa vào năm 1959, phát triển và quản lý tài sản vào năm 1990, xuất bản và in ấn vào năm 2000.

F&N, thông qua công ty con là F&N Dairy Investments, bắt đầu mua cổ phần Vinamilk từ năm 2005 và theo sát kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC). Tính đến hiện tại, F&N Dairy Investments đang sở hữu gần 369.8 triệu cp VNM, tương ứng tỷ lệ 17.69% vốn.

Cùng nhóm F&N còn có F&N Bev Manufacturing Pte, Ltd là công ty con 100% thuộc F&N Dairy Investments. Hiện tại F&N Bev Manufacturing Pte, Ltd sở hữu hơn 56.4 triệu cp VNM, tương ứng tỷ lệ 2.7% vốn.

Sau nhiều năm đầu tư vào ông lớn ngành sữa Việt Nam, hiện nay, cổ đông này có hai vị trí trong HĐQT VNM gồm ông Lee Meng Tat - Thành viên HĐQT từ tháng 09/2016 và ông Michael Chye Hin Fah - Thành viên HĐQT từ tháng 04/2017.

F&N đang kinh doanh ra sao?

Kết quả kinh doanh của F&N sụt giảm kể từ năm 2020, cùng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát; mảng chiếm tỷ trọng cao nhất là ngành sữa không ghi nhận kết quả khả quan, đặc biệt trong năm 2020 và năm 2021.

9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của F&N đạt 1,580 triệu USD, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của F&N có những dấu hiệu tích cực trở lại, hầu hết mảng kinh doanh đều đóng góp vào tăng trưởng doanh thu.

9 tháng đầu năm nay, mảng đồ uống tăng trưởng 5.6% so với cùng kỳ, đóng góp lớn từ mảng bia. Giá bán cao hơn cùng với việc thực hiện thành công các chiến dịch lễ hội, ra mắt sản phẩm mới và doanh số xuất khẩu cao hơn đã thúc đẩy doanh thu tăng trưởng. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản và in ấn cũng tăng 5.6% so với cùng kỳ nhờ việc tăng phân phối và bán lẻ sách.

9T2022 vòng tròn bên trong, 9T2023 vòng tròn bên ngoài
Nguồn: VietstockFinance

Xét theo tỷ trọng từng thị trường, doanh thu tại Malaysia đóng góp cao nhất với 40%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước với đóng góp từ nước giải khát và sữa nhờ giá tăng, thực hiện thành công các chiến dịch lễ hội, khối lượng xuất khẩu tăng mạnh và ra mắt sản phẩm mới, bên cạnh đóng góp bổ sung từ Cocoaland.

Trong khi đó, thị trường Thái Lan chỉ còn đóng góp 31% so với mức 33% của cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình tỷ giá không thuận lợi.

9T2022 vòng tròn bên trong, 9T2023 vòng tròn bên ngoài
Nguồn: VietstockFinance

Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (PBIT) của F&N 9 tháng đầu năm nay đạt 176.3 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Thái Lan đóng góp lớn nhất với 43%, cao hơn 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ, tăng trưởng chủ yếu từ doanh thu nội địa và khu vực Đông Dương do giá bán tăng và sản lượng xuất khẩu cao hơn, bất chấp việc chi phí đầu vào cao hơn và tình hình tỷ giá không thuận lợi.

Ngoài ra, thị trường Malaysia cũng ghi nhận mức đóng góp cao hơn 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ khi chiếm 29% PBIT. Kết quả này được hỗ trợ bởi doanh số bán nước giải khát và sữa tăng cao, dù diễn biến ngoại hối không thuận lợi, chi phí quảng cáo, khuyến mại và chi phí đầu vào tăng. Thị trường Việt Nam không được khả quan như hai thị trường kể trên. Sau 9 tháng đầu năm, thị trường Việt Nam chỉ còn đóng góp 36% PBIT, trong khi cùng kỳ là 40%, qua đó không còn là thị trường đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận.

Nguồn: VietstockFinance

Lợi nhuận của F&N có được từ thị trường Việt Nam nhờ vào thương vụ đầu tư vào Vinamilk. Ngoài ngành sữa tại Việt Nam, ở thị trường khác, F&N còn đầu tư trải dài các dòng sản phẩm như sữa đóng hộp của các thương hiệu F&N, Gold Coin, Teapot, Carnation hay sữa nước F&N Magnolia, Farmhouse.

Các thương hiệu sữa F&N đang đầu tư kinh doanh, góp vốn
Nguồn: VietstockFinance

Cột mốc 140 năm thành lập

 Năm 2023 đánh dấu cột mốc 140 năm hình thành và phát triển của F&N. Sau từng ấy thời gian, F&N đã vươn mình đến nhiều thị trường trên thế giới, hợp tác với hơn 3,800 nhà cung cấp. Tập đoàn cũng mở rộng nhiều văn phòng, cơ sở sản xuất và kho bãi tại 11 quốc gia. Lực lượng lao động của F&N hơn 6,700 người, tập trung phần lớn tại Malaysia (46%). Các thị trường xuất khẩu quan trọng bao gồm châu Phi, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Mexico và Philippines.

Tại thời điểm cuối quý 3/2023 theo niên độ tài chính của Công ty, tổng tài sản đạt gần 5.07 tỷ USD

Ông chủ thật sự của F&N

Trong cơ cấu cổ đông của F&N, TCC Assets Limited (TCCA) và InterBev Investment Limited (IBIL) là hai cổ đông lớn nhất, sở hữu lần lượt 59.03% và 28.37% vốn. Tuy nhiên, chủ nhân thật sự đứng sau là cái tên khác. Cụ thể, International Beverage Holdings Limited (IBHL) sở hữu 100% vốn IBIL và do đó sở hữu gián tiếp F&N.

Đồng thời, một công ty khác là Thai Beverage Public Company Limited (ThaiBev) sở hữu 100% vốn tại IBHL, trong khi đó Siriwana Co., Ltd (Siriwana) lại sở hữu 54.01% ThaiBev thông qua 45.25% sở hữu trực tiếp và 8.76% sở hữu gián tiếp thông qua Công ty con Siriwanan Co., Ltd (Siriwanan). Được biết, Siriwana thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và vợ của ông là bà Khunying Wanna Sirivadhanabhakdi thông qua việc nắm giữ trực tiếp 51% và nắm giữ gián tiếp 49% còn lại thông qua một công ty có tên Shiny Treasure Holdings Limited (Shiny Treasure). Qua đó, vợ chồng tỷ phú người Thái này cũng gián tiếp sở hữu 28.37% vốn của F&N.

Ngoài ra, vợ chồng tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mỗi người nắm 50% vốn TCCA, qua đó gián tiếp sở hữu toàn bộ cổ phần F&N do TCCA nắm giữ, tương ứng 59.03% vốn của F&N.

Như vậy, thông qua các quan hệ sở hữu có phần phức tạp ở trên, gia đình vị tỷ phú người Thái Lan thực tế đang sở hữu đến 87.41% vốn và mới là ông chủ thật sự đứng sau F&N.

Sơ đồ cổ đông của F&N

Nguồn: VietstockFinance

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, sinh ngày 02/05/1944, là một doanh nhân tỷ phú người Thái Lan gốc Hoa. Ông là người sáng lập ra Thai Beverage, Chủ tịch Tập đoàn TCC Group và Fraser and Neave, Ltd (F&N). Gia đình ông Sirivadhanabhakdi hiện là nhà phát triển và chủ đầu tư bất động sản hàng đầu ở Thái Lan, đồng thời sở hữu nhiều tòa nhà thương mại và bán lẻ tại Singapore. Ông cũng sở hữu nhiều khách sạn ở châu Á, Mỹ, Anh và Úc.

Tại thị trường Việt Nam, vị tỷ phú Thái Lan nổi tiếng với các thương vụ đầu tư vào khách sạn Melia Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB), MM Mega Market, Phú Thái Group.


Vợ chồng ông Charoen Sirivadhanabhakdi

Theo Forbes, tính đến ngày 11/10/2023, ông Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu khối tài sản lên đến 11.1 tỷ USD, đứng thứ hai tại Thái Lan và đứng thứ 167 thế giới.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Làm ăn khó khăn, Địa ốc Chợ Lớn giảm 83% lãi ròng quý 3 (16/10/2023)

>   Thủy sản MeKong lỗ quý 3 (16/10/2023)

>   HBH: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (16/10/2023)

>   BMV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (16/10/2023)

>   FLC bị cưỡng chế thuế hơn 80 tỷ đồng (15/10/2023)

>   ‘Ông lớn’ ngành nước Biwase ước lãi giảm 9% trong quý 3 (16/10/2023)

>   TCO đảo chiều báo lãi quý 3 nhưng kinh doanh vẫn lẹt đẹt (16/10/2023)

>   Về tay Tập đoàn Thành Công, Chứng khoán DSC muốn niêm yết trên HOSE (15/10/2023)

>   Lãi ròng quý 3 của BAX giảm 73% so cùng kỳ (15/10/2023)

>   Một công ty thép lỗ gấp đôi cùng kỳ, hơn 6,500 tỷ đồng kẹt ở dự án "đắp chiếu" 15 năm (14/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật