Habeco ngấm vị bia "đắng", lợi nhuận kém xa đối thủ Sabeco
Trong bối cảnh thị trường bia đang yếu đi rõ rệt, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) chỉ đạt 90 tỷ đồng lãi ròng quý 3/2023, giảm 56% so với cùng kỳ. Điều này khiến cuộc đua giữa hai "ông lớn" ngành bia Sabeco và Habeco vẫn có sự cách biệt lớn.
Quý 3/2023, Habeco đạt gần 2,260 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 90 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 7% và 56% so với cùng kỳ.
Kết quả kém khả quan đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút với biên lãi gộp giảm từ mức 29% cùng kỳ còn 26%, cùng với đó là gánh nặng chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Điểm sáng là nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng 75%, lên 59 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2023 của Habeco
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BHN ghi nhận doanh thu thuần 5,511 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 39% so với cùng kỳ; thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt 31% mục tiêu lợi nhuận năm. Lãi ròng đạt 278 tỷ đồng, giảm 36%.
Cùng với "đối thủ" CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB), Habeco và Sabeco là 2 nhà sản xuất bia nội địa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Gần đây, Sabeco đã công bố BCTC quý 3/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu so sánh vẫn bỏ xa Habeco trên cuộc đua về lợi nhuận.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận lãi ròng 3,170 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, nhưng cách biệt lớn so với Habeco (lãi 278 tỷ đồng). Với mức lãi này, SAB thực hiện được 57% kế hoạch lợi nhuận năm.
*Tăng trưởng âm 4 quý liền, SAB vẫn giữ được mốc lợi nhuận ngàn tỷ
Tiền gửi có kỳ hạn chiếm gần nửa tổng tài sản
Trở lại với Habeco, tại ngày 30/09/2023, Doanh nghiệp có tổng tài sản 7,560 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Sự gia tăng tới từ tiền gửi có kỳ hạn với 3,545 tỷ đồng, tăng 17%; các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 628 tỷ đồng, tăng 45%. Hàng tồn kho giảm nhẹ còn 722 tỷ đồng.
Nợ phải trả đạt hơn 2,017 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, do thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần 550 tỷ đồng, tăng 26%; chi phí phải trả ngắn hạn gần 390 tỷ đồng, tăng 136%; phải trả ngắn hạn khác hơn 301 tỷ đồng, tăng 22%. Tổng nợ vay đạt hơn 143 tỷ đồng, giảm 31%, trong đó nợ vay dài hạn chiếm 81%.
Thế Mạnh
FILI
|