GEG giảm sâu lợi nhuận trong bối cảnh chung kém thuận lợi
CTCP Điện Gia Lai (GEC, HOSE: GEG) mới đây công bố BCTC hợp nhất quý 3. Như nhiều doanh nghiệp ngành điện khác, GEG chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu kinh doanh của GEG trong quý 3/2023
|
Trong quý 3/2023, GEG đạt 566 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kỳ, nhờ nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ 1) đi vào hoạt động. Trong khi đó, giá vốn giảm 10%, còn 273 tỷ đồng. Nhờ vậy, Doanh nghiệp lãi gộp 293 tỷ đồng, tăng trưởng 34%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh 93%, còn 13 tỷ đồng, do không còn khoản doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần như quý 3/2022. Chi phí tài chính tăng mạnh 42%, lên 252 tỷ đồng, chủ yếu vì chi phí lãi vay tăng lên khi nhà máy TPĐ 1 đi vào hoạt động và lãi suất vay vốn tăng. GEG giải trình lãi suất từ cuối năm 2022 đến cuối tháng 9/2023 vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ tình hình lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn, trong khi chi phí lãi vay bắt đầu được ghi nhận khi vận hành nhà máy TPĐ 1 với giá bán điện tạm tính bằng 50% giá chính thức.
Đây cũng là 2 chỉ tiêu chính ảnh hưởng mạnh đến kết quả quý 3 của GEG. Sau cùng, Doanh nghiệp lãi ròng 14 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, GEG đạt gần 1.6 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, đi ngang so với cùng kỳ; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 111 tỷ đồng và 87 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ khoảng 70%. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, Doanh nghiệp thực hiện được gần 55% kế hoạch doanh thu và gần 72% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Nguồn: GEG
|
GEG hoạt động chính trong mảng năng lượng tái tạo, từ thủy điện nhỏ, điện mặt trời (tập trung và áp mái), điện gió. Trong đó, đóng góp lớn nhất là điện gió và điện mặt trời. Trong 9 tháng đầu năm, điện gió đóng góp 43% vào doanh thu, chiếm 41% cơ cấu sản lượng. Điện mặt trời đóng góp tương ứng 42% và 34%.
Thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của GEG đạt hơn 16.3 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền 487 tỷ đồng (gồm tiền mặt, các khoản tương đương và tiền gửi dưới 1 năm), giảm 41% so với đầu năm.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh còn 319 tỷ đồng (đầu năm gần 4.9 ngàn tỷ đồng), do đã hoàn tất dự án điện gió TPĐ 1 và đưa vào hoạt động.
Phía nguồn vốn, nợ phải trả của Doanh nghiệp ghi nhận gần 10.7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 7%, với phần lớn là nợ vay (gần 10.2 ngàn tỷ đồng). Tuy nhiên, tổng nợ ngắn hạn chỉ 1.5 ngàn tỷ đồng (giảm 27%), tương ứng hệ số khả năng thanh toán ở mức 1.2 lần, đạt ngưỡng an toàn.
Vay nợ ngắn hạn tăng 79% lên gần 1.2 ngàn tỷ đồng, là các khoản vay từ Vietcombank, Agribank, CTCP Năng lượng Tái tạo Mới số 1, các khoản vay dài hạn tới hạn trả.
Giống như nhiều doanh nghiệp điện, phần lớn nợ vay của GEG là nợ dài hạn, ghi nhận hơn 8.9 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 9, là các khoản vay từ ngân hàng.
Một chỉ tiêu biến động mạnh là khoản mục phải trả người bán ngắn hạn, giảm tới 92% còn 92 tỷ đồng. Nguyên nhân do sau khi đưa TPĐ 1 vào vận hành, GEG đã chi trả công nợ cho đối tác Vestas - nhà cung cấp turbine, và PC1 - đơn vị tổng thầu EPC của dự án.
Định hướng phát triển năng lượng xanh
Theo chiến lược đa dạng các loại hình Năng lượng tái tạo của GEG, Doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển nguồn năng lượng từ hydrogen, lên khoảng 200 ngàn - 400 ngàn tấn/năm đến 2030, và khoảng 3 triệu - 12 triệu tấn/năm đến 2050 tại khu vực miền Nam.
Tại Tiền Giang, GEG cho biết đang nghiên cứu, phát triển dự án sản xuất khí hydro để đảm bảo sản lượng dự kiến 30,000 tấn khí hydro/năm; khu vực Cà Mau cho sản lượng dự kiến 35,000 tấn/năm.
Tháng 10/2023, GEG nhận được quyết định chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh cho Dự án Nhà máy Sản xuất Khí Hydro Tiền Giang – Giai đoạn 1. Nhà máy có tổng diện tích 36,931 m2, công suất 100 MW, sử dụng nguồn điện từ cụm nhà máy điện gió để sản xuất hydrogen. Dự kiến, sản lượng từ dự án khi đi vào hoạt động sẽ đạt trên 5 ngàn tấn hydro/năm, 95 ngàn tấn oxy/năm, và 90 ngàn tấn ammonia/năm.
Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 2.2 ngàn tỷ đồng, dự kiến đi vào vận hành trong 2028.
Châu An
FILI
|