Evergrande xem xét lại kế hoạch tái cấu trúc, chủ nợ nước ngoài trở tay không kịp
Một nhóm chủ nợ nước ngoài hoàn toàn bất ngờ khi tập đoàn Evergrande hủy họp về kế hoạch tái cấu trúc hàng tỷ đô la, theo một tuyên bố đưa ra trong ngày 09/10.
Những bên nắm giữ hơn 6 tỷ USD trái phiếu nước ngoài của Evergrande đã yêu cầu công ty giải quyết vấn đề về quy định với các cơ quan chức trách Trung Quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Evergrande bất ngờ hủy họp với các chủ nợ quan trọng trong tháng 9/2023 và cho biết phải xem lại đề xuất tái cấu trúc.
Một trong những rào cản với kế hoạch tái cấu trúc của Evergrande là họ không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới. Theo kế hoạch đề ra, các chủ nợ của Evergrande sẽ hoán đổi các trái phiếu đã vỡ nợ thành các trái phiếu mới, nhưng hiện tại thì họ không thể làm vậy.
Việc Evergrande tạm ngừng triển khai kế hoạch tái cấu trúc vì lý do về quy định “là không hợp lý”, trích từ thông cáo báo chí của nhóm chủ nợ. “Thật khó để tin rằng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) lại ngăn chặn một công ty nặng nợ tái cấu trúc” bằng cách điều chỉnh các khoản nợ chưa thể thanh toán.
Nhóm chủ nợ này đã tham vấn Moelis & Company Asia Ltd. và Kirkland & Ellis, cũng như các chủ nợ khác ở New York, London và Hồng Kông. Evergrande còn đối diện với nguy cơ thanh lý tài sản. Vào ngày 30/10, tập đoàn này sẽ điều trần tại toà án Hồng Kông, khi nhận được đơn kiện yêu cầu giải thể từ chủ nợ.
Evergrande được xem là biểu tượng của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Tập đoàn này đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài, trong khi chật vật với núi nợ lên tới 2.39 ngàn tỷ Nhân dân tệ.
Những rắc rối mới nhất ở Evergrande khiến nỗi ngại về lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang bùng lên trở lại. Ngoài Evergrande, tháng trước, Country Garden - nhà phát triển lớn nhất nước này, cũng khiến thị trường “dậy sóng” khi không kịp trả lãi trái phiếu USD đúng thời hạn ban đầu.
Trước những vấn đề đang hiện hữu, một số nhà quản lý tài sản toàn cầu cho rằng các tài sản của Trung Quốc đang thuộc nhóm “không thể đầu tư”. Đối với Evergrande, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới có thể sẽ khiến kế hoạch tái cơ cấu của họ thay đổi đáng kể. Trong một đề xuất hồi tháng 3, tập đoàn này đã đưa ra lựa chọn cho các chủ nợ, họ có thể nhận trái phiếu mới có kỳ hạn 10-12 năm hoặc lựa chọn chứng khoán liên kết với vốn chủ sở hữu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|