Đường sắt Sài Gòn ‘nối gót’ Đường sắt Hà Nội báo lãi kỷ lục sau nhiều năm thua lỗ
CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (UPCoM: SRT) ghi nhận lãi sau thuế khoảng 43 tỷ đồng trong quý 3/2023, mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Công ty còn lỗ lũy kế gần 312 tỷ đồng, hệ quả từ 9 quý lỗ liên tiếp giai đoạn dịch bệnh.
Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) là thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) với tỷ lệ sở hữu 78.44%. Đây là một trong hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất thuộc VNR, bên cạnh CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT). Trước đó, HRT cũng đã báo lãi kỷ lục hơn 54 tỷ đồng trong quý 3/2023, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty còn lỗ lũy kế hơn 285 tỷ đồng, hệ quả từ chuỗi lỗ 11 quý liên tiếp.
* Xô đổ kỷ lục lợi nhuận trong quý 3, Đường sắt Hà Nội vẫn còn lỗ lũy kế hơn 285 tỷ
Trở lại với SRT, BCTC cho thấy Doanh nghiệp ghi nhận 442 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi sau thuế tăng tới 129% lên 43 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty. Nguyên nhân chính cho tăng trưởng lợi nhuận đến từ sự cải thiện biên lãi gộp từ mức 11% cùng kỳ lên 20%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, SRT ghi nhận 1,358 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ; thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (600 triệu đồng).
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023 của SRT
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietsockFinance
|
SRT cho biết, trong 9 tháng đầu năm, nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch nước ngoài tăng cao, đặc biệt là trong Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp hè 2023. Vì vậy, doanh thu vận chuyển hàng khách, hàng hóa của Công ty trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023 có bước tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.
Mặt khác, đặc thù của ngành Đường sắt là doanh thu thường tập trung chủ yếu ở các tháng cao điểm như hè, Tết, trong khi chi phí chủ yếu tập trung vào những tháng thấp điểm cuối năm do phải tập trung sửa chữa toa xe phương tiện để chuẩn bị vận hành cho những tháng cao điểm, còn các tháng đầu năm chi phí tập trung lại thấp.
Dù ghi nhận mức lãi kỷ lục vào quý 3/2023, nhưng bức tranh chung về tình hình tài chính của Đường sắt Sài Gòn vẫn chưa mấy sáng sủa. Tính đến 30/09/2023, SRT còn lỗ lũy kế gần 312 tỷ đồng, đây là hệ quả từ 9 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong giai đoạn dịch bệnh (2020-2022).
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tính tới cuối tháng 9/2023 của SRT là 1,086 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Biến động tới từ lượng tiền mặt còn 5.5 tỷ đồng, giảm 35%; tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gần 43 tỷ đồng, giảm 56% và không còn ghi nhận 20 tỷ đồng các khoản tương đương tiền (đầu năm ghi nhận).
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả chiếm hơn 892 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 379 tỷ đồng, giảm 8%; tiếp theo là phải trả người bán ngắn hạn hơn 294 tỷ đồng, giảm 11%. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 32% còn 43 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm 2023 đến nay, giá cổ phiếu SRT biến động quanh vùng 4,000-5,000 đồng/cp. Kết phiên 27/10, cổ phiếu này dừng ở mức 5,000 đồng/cp, tăng nhẹ 1% so với đầu năm cùng thanh khoản bình quân hơn 23,000 cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu SRT từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Giữa tháng 8/2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025 với việc sáp nhập hai CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành một, trong đó VNR dự kiến tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của CTCP Vận tải Đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, kết thúc năm 2025, sau khi Công ty Vận tải Đường sắt hợp nhất đi vào hoạt động, VNR giảm tỷ lệ vốn chi phối tại công ty này, nhằm tách bạch hoạt động điều hành giao thông và vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.
|
Thế Mạnh
FILI
|