Điểm danh loạt doanh nghiệp gần hết 2023 vẫn “chây ỳ” BCTC kiểm toán 2022
Thời điểm chuẩn bị bước sang quý 4, có người đã mơ tới “Tết đến xuân về”. Vậy mà, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thể công bố BCTC kiểm toán 2022.
Theo thống kê từ VietstockFinance, tính tới thời điểm ngày 23/09/2023, vẫn còn 78 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM chưa công bố BCTC kiểm toán 2022, thậm chí chưa thể công bố báo cáo tự lập.
Việc không thể công bố BCTC có nhiều nguyên nhân và dĩ nhiên điều đó cho thấy bản thân doanh nghiệp đang có những vấn đề chưa thể giải quyết. Trong đó, nổi cộm là những cái tên tốn nhiều giấy mực của báo chí và truyền thông.
Những doanh nghiệp chưa thể nộp BCTC kiểm toán 2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Từ nhóm vướng “án”…
Không ngạc nhiên khi danh sách chưa nộp BCTC kiểm toán 2022 có sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp “họ FLC”, gồm Tập đoàn FLC (FLC), FLC Stone (AMD), Chứng khoán BOS (ART), Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB), Nông dược H.A.I (HAI), Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF).
Sau sự việc liên quan đến vụ án “thao túng chứng khoán” đình đám của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của FLC rơi vào cảnh lao đao với những biến động mạnh về nhân sự và bất ổn về tài chính. Việc đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin cũng không thể thực hiện với liên tiếp nhiều vi phạm.
Vụ án “thao túng chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết đã gây ra nhiều hệ lụy đối với các doanh nghiệp trong nhóm FLC
|
Hệ quả, gần như toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm chịu án hủy niêm yết. Riêng KLF vẫn còn trên HNX, nhưng hứng gần trọn “combo án phạt” khi cùng lúc nằm trong diện bị cảnh báo, kiểm soát và hạn chế giao dịch.
Không chỉ BCTC kiểm toán 2022, FLC thậm chí chưa thể công bố loạt BCTC soát xét từ năm 2021. Theo công văn giải trình gần đây, FLC chưa đạt được sự đồng thuận với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY về ý kiến kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021. Bởi vậy, FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021, năm 2022, quý 1/2023, quý 2/2023 và BCTC bán niên 2023 đã được xoát xét.
Tương tự, doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến vụ việc thao túng chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân và đồng phạm tại Louis Holdings là TGG (The Golden Group, trước là Louis Capital) cũng không thể hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin. TGG đã liên tục trễ hẹn với BCTC kiểm toán 2022, khiến cổ phiếu chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 11/09/2023. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn phải thực hiện kiểm toán lại BCTC năm 2021 và cũng đang trễ hạn BCTC soát xét bán niên 2023.
Trong văn bản giải trình mới đây, Doanh nghiệp cho biết đang khắc phục bằng việc phối hợp cùng Kiểm toán UHY để thực hiện kiểm toán các BCTC nêu trên.
Ông Đỗ Thành Nhân - cựu Chủ tịch Louis Holdings và Phạm Thanh Tùng - cựu Chủ tịch TVB, những bị can chính trong vụ thao túng chứng khoán tại Louis Holdings
|
Trên thực tế, các doanh nghiệp “họ Louis” như AGM (Angimex), TVB (Chứng khoán Trí Việt) cũng chỉ mới hoàn thành nghĩa vụ công bố BCTC kiểm toán 2022 sau nhiều lần xin gia hạn và giải trình. Cả hai hiện cũng đang “nợ” nghĩa vụ công bố đối với BCTC soát xét bán niên 2023.
Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) cũng nằm trong số doanh nghiệp chưa thể công bố thông tin vì “vướng án”. Cụ thể vào tháng 03/2023, 4 bị can đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên ra quyết định khởi tố hình sự về tội danh “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán”. Trong số này có cựu Chủ tịch HĐQT Phùng Văn Bộ, cựu Tổng Giám đốc Phùng Văn Thái và Kế toán trưởng Trần Thanh Hà.
TTB cho biết, việc thay đổi mạnh về bộ máy nhân sự cấp cao đã ảnh hưởng đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, dẫn đến việc BCTC kiểm toán 2022 vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện tại, Doanh nghiệp đang “nợ” công bố BCTC kiểm toán 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023.
…tới các doanh nghiệp bị dịch bệnh hành hạ
Việc công bố BCTC kiểm toán 2022 của Vietnam Airlines (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, HVN) là một trong những câu chuyện được giới đầu tư hóng chờ nhất, vì báo cáo này sẽ quyết định khả năng niêm yết của cổ phiếu HVN.
Trước thời điểm năm 2020, chẳng ai nghĩ hãng Hàng không quốc gia Việt Nam lại rơi vào tình cảnh này. Từ năm 2016, Doanh nghiệp liên tục duy trì khoản lãi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đại dịch COVID-19 đã cuốn trôi tất cả, khiến Doanh nghiệp lỗ ròng 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm kể từ 2020. Nếu như sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022, Công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu HVN đang nằm trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch vì chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 và soát xét bán niên 2023. Theo giải trình, HVN cho biết giai đoạn vừa qua, Doanh nghiệp đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ COVID-19, HVN đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn, hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng nên cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ. Do đó, hãng chưa phát hành được BCTC.
Một cái tên nổi cộm khác trong danh sách là Apax Holdings (IBC) của “Shark Thủy” (ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT). Dù vươn mình trở thành chuỗi giáo dục tiếng Anh có tiếng, dịch bệnh đã khiến IBC chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp đồng thời phải chịu hàng loạt tin xấu bủa vây với lùm xùm phụ huynh tố các trung tâm không hoàn trả học phí, thu tiền mà không tổ chức lớp dạy…
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay “Shark Thủy”), Chủ tịch IBC
|
Trong lần giải trình vào tháng 07/2023, IBC cho biết, bản thân gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân sự và quá trình tái cấu trúc, qua đó, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành BCTC năm 2023, đồng thời cam kết sẽ sớm thực hiện. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành, đồng thời cũng “nợ” nhiều hạng mục công bố thông tin khác như báo cáo thường niên 2022 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Châu An
FILI
|