ĐHĐCĐ bất thường lần 2 CII: Kết quả 2023 sẽ không đạt kế hoạch, cổ tức 4% mỗi quý duy trì bao lâu?
Sáng 17/10, ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) tiến hành với tỷ lệ tham dự vừa đủ theo quy định.
Theo đại diện ban kiểm tra tư cách đại biểu, tính đến 9h ngày 17/10, có 95 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho gần 97 triệu cp, chiếm 34.13% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty. Theo đó, ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của CII đã đủ điều kiện tiến hành.
ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của CII tổ chức sáng ngày 17/10. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ không đạt kế hoạch
Liên quan kết quả kinh doanh của Công ty, Tổng Giám đốc CII cho biết năm 2023 doanh nghiệp nào còn tồn tại được là mừng, gần như tất cả doanh nghiệp đều đang chật vật để tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Theo đó, kết quả kinh doanh quý 3 và năm 2023 của CII sẽ không đạt được như kế hoạch đề ra. Vấn đề chủ yếu đến từ việc không thể tăng mức phí thu tại các dự án BOT theo kế hoạch và các dự án bất động sản vẫn chưa được gỡ vướng về mặt pháp lý.
Việc không ra các sản phẩm bất động sản của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) chủ yếu đến từ việc hoàn tất pháp lý các dự án bấn động sản tại TPHCM trong thời gian qua là cực kỳ khó. Bù lại, quỹ đất NBB hiện tại rất quý, đất có quy hoạch và đang cố gắng xin chủ trương đầu tư. Trong hai dự án của NBB đã có sẵn đất ở nên khả năng sớm xin được chủ trương đầu tư là khá cao.
Liên quan đến động thái bán cổ phiếu thời gian gần đây, ông Bình cho rằng cổ đông đang có sự nhầm lẫn giữa cổ đông và chủ nợ, thực chất trái phiếu chuyển đổi là nắm cổ phiếu, khi có chuyện xấu xảy ra với tài sản của CII thì cổ phiếu với trái phiếu chuyển đổi là như nhau.
Ông Bình đánh giá khoản đầu tư vào CII là khoản đầu tư dài hạn, bây giờ đầu tư gì cũng rủi ro nhưng việc mua trái phiếu CII lại đảm bảo nguồn thu ổn định nên đây là khoản đầu tư thông minh. Ông sẽ dùng toàn bộ số tiền bán cổ phiếu cộng với một khoản tiền nữa để mua trái phiếu. Khi thực hiện chuyển đổi, số lượng cổ phiếu ông nắm giữ sẽ lớn hơn số cổ phiếu đã bán.
Cổ tức 4% mỗi quý sẽ được duy trì lâu dài nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công
Đối với phương án chia cổ tức hàng quý đã được ĐHĐCĐ thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Bình cho hay không thể cam kết chắc chắn do còn phụ thuộc và hoạt động kinh doanh của Công ty, tuy nhiên với tình hình tài chính hiện tại và nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công, việc trả cổ tức 4%/quý sẽ được duy trì lâu dài.
Còn việc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ được tiến hành sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi vì nếu phát hành cổ phiếu thưởng trước sẽ làm thay đổi số lượng cổ phiếu, qua đó không đúng theo phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Thông qua danh sách 6 dự án sẽ đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2030
ĐHĐCĐ CII đã thông qua bổ sung mã ngành 6810 đăng ký đoạn “không bao gồm: Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng” nhằm đảm bảo phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện nay của CII theo quy định tại Điều lệ. CII cho biết, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của Công ty.
Đối với định hướng đầu tư giai đoạn 2024 - 2030, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực Công ty ưu tiên.
Định hướng trên được CII dựa trên hai cơ sở. Đầu tiên là Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Công ty đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư PPP.
Thứ hai là Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Trước đây, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ban hành ngày 21/10/2017 chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn; và huy động vốn cho dự án.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã cho phép TPHCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn kể trên.
Dựa trên các cơ sở đã nêu, ĐHĐCĐ CII thông qua 6 dự án hạ tầng giao thông ban lãnh đạo Công ty đề ra để đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư gần 75 ngàn tỷ đồng, trong đó dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22 ngàn tỷ đồng.
Các dự án hạ tầng giao thông CII nghiên cứu triển khai trong giai đoạn 2024-2030
Nguồn: CII
|
Theo CII, 6 dự án trên được ban lãnh đạo Công ty lựa chọn dựa trên các tiêu chí: dự án có thể giải quyết ách tác giao thông một cách tổng thể; dự án có thể kết nối với các dự án hiện hữu của CII; dự án đã có quy hoạch phát triển; và dự án có thể hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Bình – Tổng Giám đốc CII cho biết hiện dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương đã được Chính phủ thay đổi hình thức đầu tư nên CII đang xem xét bỏ dự án này.
Nếu không làm dự án mới thì 2 - 3 năm nữa CII chỉ là quỹ với vài nhân viên đếm tiền thu phí
Khi được cổ đông đề nghị xem xét lại tính cẩn trọng khi lựa chọn dự án, Tổng Giám đốc CII cho biết nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, có 1 số dự án thuộc thẩm quyền của HĐQT nhưng HĐQT vẫn đưa ra ĐHĐCĐ, điều này cho thấy sự thận trọng của ban lãnh đạo Công ty. Việc xem xét cẩn trọng luôn được mang ra hàng đầu nên cổ đông yên tâm là HĐQT đã xem xét rất chi tiết.
Trong 104 dự án BOT được Bộ GTVT kêu gọi đầu tư hiện nay chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chiếm phần lớn trong đó là các dự án của CII. Điều này cho thấy trong khi nhà nhà làm BOT, CII chỉ chọn làm số ít dự án có khả năng hoàn vốn cao.
Về rủi ro khi đầu tư các dự án mới, ông Bình cho biết hai năm nay CII đã không thực hiện dự án mới mà chỉ tập trung phát triển các dự án cũ, vì vậy bây giờ nếu không bắt đầu dự án mới thì 2 - 3 năm nữa CII sẽ chỉ là 1 quỹ có vài nhân viên ngồi chơi và thu phí từ các dự án BOT.
Việc có chắc chắn trúng thầu các dự án mới hay không, ông Bình cho biết CII chọn những dự án để đầu tư, đảm bảo nguồn thu lâu dài chứ không cố gắng trúng thầu rồi “ăn” được 2 - 3 năm đầu sau đó “chết” cả chục năm còn lại.
Đối với việc các dự án cũ vẫn còn dư nợ nhiều, ông Bình cho biết việc này chủ yếu do phương pháp hạch toán của chuẩn mực kế toán hiện tại. Công ty đã mời công ty kiểm toán để thử nghiệm BCTC theo tiêu chuẩn IFRS vì chuẩn mực kế toán này sẽ thể hiện đúng giá trị các dự án của CII. Công ty đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính nhưng hiện chưa được phép áp dụng.
Lấn sân sang lĩnh vực y tế
Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông truyền thống, CII còn lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực y tế theo hai hướng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.
Đối với hạ tầng y tế, CII đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TPHCM để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như: hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế tại các khu vực cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến đường cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực nội thành.
Còn với bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, CII hướng đến đối tượng là người trung niên, sắp về hưu, gia đình có người cao tuổi. CII sẽ cung cấp không gian xanh rộng lớn, khí hậu trong lành, đầy đủ tiện ích và dịch vụ y tế.
Dù vậy, Tổng Giám đốc CII cho biết tuy Nghị quyết 98 mở ra cơ chế mới cho việc đầu tư hạ tầng y tế nhưng Công ty vẫn xem lĩnh vực hạ tầng y tế và hưu trí là hai lĩnh vực mới, do đó dù được ĐHĐCĐ thông qua nhưng HĐQT có thể quyết định không thực hiện đầu tư nếu tình hình thực tế không thuận lợi.
Hà Lễ
FILI
|