Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tăng 4,6% Trong 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm vốn mới và vốn điều chỉnh đạt 416,8 triệu đô la Mỹ, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 9-2023, Việt Nam có 1.667 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỉ đô la.
Lào hiện là quốc gia nhận được nhiều vốn đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong ảnh là dự án đầu tư của một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tại Lào – Ảnh: trang web Unitel |
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 có 84 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,8 triệu đô la Mỹ, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2023, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, gồm vốn mới và vốn điều chỉnh đạt 416,8 triệu đô la, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu, với 26 dự án đầu tư mới và 6 lượt điều chỉnh vốn, chiếm 36,1% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai, với hơn 114,35 triệu đô la, chiếm 27,4%. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ở góc độ đối tác, có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023. Dẫn đầu là Canada với một dự án đầu tư mới và một dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu đô la, chiếm 36% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba…
Lũy kế đến ngày 20-9-2023, Việt Nam đã có 1.667 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỉ đô la. Trong số này có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỉ đô la, chiếm 52,8% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng chiếm 31,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,5%. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào chiếm 24,7%, Campuchia chiếm 13,3%, Venezuela chiếm 8,3%.
Nguyên Tân TBKTSG
|