Thứ Ba, 24/10/2023 15:10

Đạm Cà Mau lần đầu lãi dưới trăm tỷ sau 11 quý, đặt mục tiêu doanh thu 20 ngàn tỷ vào năm 2025

Giá vốn tăng vọt trong khi doanh thu sụt giảm, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) chứng kiến lợi nhuận ròng quý 3/2023 giảm sâu tới 90% so với cùng kỳ 2022.

Các chỉ tiêu kinh doanh của Đạm Cà Mau trong quý 3/2023

Cụ thể, trong quý 3, ông lớn ngành phân bón đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 9%. Giá vốn hàng bán bật tăng 23%, lên 2.8 ngàn tỷ đồng. Doanh thu và giá vốn chuyển động ngược chiều theo hướng tiêu cực, dẫn đến lãi gộp chỉ đạt 177 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh lên 200 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ, nhờ tăng lãi tiền gửi. Chi phí tài chính cũng tăng 16% nhưng tác động không đáng kể. Chi phí bán hàng tăng 32% lên 192 tỷ đồng vì tăng chi phí quảng cáo, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 44% còn 85 tỷ đồng do giảm trích quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Lợi nhuận khác đạt 14 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, nhờ chi phí khác giảm mạnh còn 317 triệu đồng (cùng kỳ lên tới hơn 7.6 tỷ đồng).

Nhìn chung, việc lãi gộp giảm sâu quyết định phần lớn tới thành quả sau cùng của Doanh nghiệp. Kết thúc quý 3, Đạm Cà Mau lãi ròng gần 74 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 90%. Đây là quý đầu tiên lãi ròng của Đạm Cà Mau rơi xuống dưới 100 tỷ đồng, sau 11 quý liên tiếp lãi trên trăm tỷ, đồng thời cũng là quý thứ 3 liên tiếp chứng kiến lợi nhuận giảm sâu sau chuỗi lãi ngàn tỷ hàng quý từ quý 4/2021 đến quý 4/2022 (trừ quý 3/2022 lãi ròng 728 tỷ đồng).

Đạm Cà Mau trải qua 3 quý lợi nhuận giảm sâu so với chuỗi lãi bùng nổ từ quý 4/2021 đến quý 4/2022

Về nguyên nhân, Đạm Cà Mau cho biết sản lượng tiêu thụ sản phẩm quý 3 thực chất tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón giảm kéo doanh thu thấp xuống, trong khi giá vốn tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng gia tăng do Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng hóa.

Trải qua 3 quý liên tiếp lãi giảm mạnh, kết quả lũy kế của Đạm Cà Mau cũng giảm sâu. Sau 9 tháng, Doanh nghiệp đạt hơn 9 ngàn tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 21%; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 617 tỷ đồng và 614 tỷ đồng, giảm 81%. So với mục tiêu thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, Doanh nghiệp thực hiện được 67% mục tiêu doanh thu và gần 45% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thời điểm cuối tháng 9, bảng cân đối của Đạm Cà Mau vẫn rất lành mạnh. Giá trị tổng tài sản đạt 14.7 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ hơn 2.3 ngàn tỷ đồng tiền mặt cùng 7.5 ngàn tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, tổng cộng hơn 9.8 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tăng 6%, ghi nhận 2.4 ngàn tỷ đồng.

Có lượng tiền gần 10 ngàn tỷ đồng nhưng ở phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn chỉ 4.4 ngàn tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm, với hơn 1.3 ngàn tỷ đồng là chi phí dự phòng phải trả cho tiền khí, cao hơn đầu năm khoảng 80%. Vay nợ ngắn hạn tăng mạnh lên 292 tỷ đồng (đầu năm chỉ hơn 2.5 tỷ đồng), hầu hết là khoản vay kỳ hạn 2 tháng với Vietcombank Thủ Thiêm để bổ sung nhu cầu vốn lưu động. Vay nợ dài hạn chỉ 1.4 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 1.8 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 40%.

Mục tiêu doanh thu 20 ngàn tỷ đồng vào năm 2025

Cùng với kết quả quý 3, Đạm Cà Mau cũng công bố kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh đến năm 2025.

Cụ thể, ông lớn ngành phân bón đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 20%/năm với doanh thu, hướng đến đạt 20 ngàn tỷ đồng vào năm 2025. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính là nhóm Urê và gốc Urê, nhóm sản phẩm NPK và nhóm sản phẩm kinh doanh phục vụ thị trường. Thị phần hướng đến tối thiểu 11% vào năm 2025 - tương đương 1.18 triệu tấn.

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau lên kế hoạch tăng mức độ nhận diện thương hiệu tại 3 thị trường Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Campuchia lên 65% vào năm 2025. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước lân cận, đa dạng các loại phân bón có thể cung cấp.

Về đầu tư, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch nghiên cứu, tham gia đầu tư, góp vốn, liên kết thêm 1 nhà máy NPK để tăng khả năng cạnh tranh và lợi thế thị trường.

Đối với dự án sản xuất khí công nghiệp tại Nhà máy Đạm Cà Mau, Doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, nghiên cứu thu hồi các khí Nitrogen, Argon từ nguồn Offgas và tinh chế đạt tiêu chuẩn khí công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tải xưởng và nhu cầu thị trường khí công nghiệp trong nước.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   KSD: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   KTS: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (24/10/2023)

>   PSC: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   APS: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   DHP: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   HGM: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   BVS: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   GIC: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   CPC: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

>   DNC: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (24/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật