Thứ Ba, 31/10/2023 09:57

Đại biểu Quốc hội: Đề xuất mức tiền đặt cọc không vượt quá 5% giá bán nhà

Thảo luận về việc thu tiền cọc của khách hàng quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần xem xét quy định số tiền đặt cọc tối đa không quá 5% giá bán nhà.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đề xuất mức tiền đặt cọc không vượt quá 5% giá bán bán

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc ghi nhận dự thảo Luật cơ bản hoàn chỉnh sau khi tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung. Góp ý về các nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ, về khoản 5 Điều 23 chọn phương án 2, đồng thời đề nghị cần xem xét quy định số tiền đặt cọc tối đa không quá 5%. Qua tham khảo ý kiến Hiệp hội bất động sản và khảo sát thực tế cho thấy 5% là mức đặt cọc hợp lý theo thông lệ. Đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 23 theo hướng: “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán cho thuê nhà ở, công trình xây dựng; số tiền đặt cọc tối đa theo quy định của Chính phủ nhưng không vượt quá 5% giá bán, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.”

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi thu tiền, đặt cọc trái với quy định của luật này và các pháp luật có liên quan để đảm bảo tính chặt chẽ và đồng bộ với các Luật có liên quan.

Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản theo hướng không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác, không có tư cách pháp nhân, không có chức năng kinh doanh bất động sản, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở công trình xây dựng quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản.

Về thẩm quyền thực hiện điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị quy định theo phân cấp: Chính phủ quyết định các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản theo quy định của Luật này và theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Còn theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ quan tâm đến nội dung về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; đồng thời cho rằng cả 2 phương án mà Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đưa ra đều có những điểm chưa hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ nghiêng về phương án 2 nhiều hơn.

Cụ thể: “Nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng. Phần giá trị còn lại của hợp đồng được khách hàng chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại tổ chức tín dụng để quản lý và chủ đầu tư không được sử dụng số tiền này; hình thức quản lý, các chi phí, lợi tức phát sinh liên quan đến khoản tiền này do chủ đầu tư và ngân hàng tự thỏa thuận. Chủ đầu tư chỉ được sử dụng số tiền này cùng với lợi tức (nếu có) khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.”…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị là bổ sung thêm nội dung về quy định cấm. Hiện tại dự thảo Luật chỉ quy định là cấm là thu phí, lệ phí và các khoản liên quan đến kinh doanh bất động sản trái pháp luật. Đại biểu Thành đề nghị, cần bổ sung thêm hai từ “quản lý và sử dụng” vào Khoản 7 của Điều 8. Bởi việc quản lý, sử dụng trái pháp luật xảy ra rất nhiều liên quan đến các hoạt động quốc doanh bất động sản, đặc biệt là kinh doanh nhà chung cư.

Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng dự án nhận đặt cọc nhưng không triển khai

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hồng Nguyên bày tỏ nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan. Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành với nội dung của dự thảo Luật.

Góp ý về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án một và lập luận được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Theo đó, phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng, đây là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản do việc đặt cọc chỉ được thực hiện khi bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh và hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.

Đại biểu nhận thấy, thời điểm được thu tiền đặt cọc ngay từ khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất như thể hiện tại phương án hai sẽ dẫn đến khoảng thời gian từ khi nhận đặt cọc đến khi triển khai dự án trên thực tế rất dài, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng. Trong khi đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự. Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này xảy ra...

Về thanh toán trong bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, bày tỏ nhất trí với phương hai, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, mặc dù ưu điểm của phương án một là bảo đảm sự ổn định của chính sách hiện hành, tuy nhiên, quy định này chưa khắc phục được thực tế thời gian qua, nhiều trường hợp khách hàng sau khi mua nhà ở mà không có ý định chuyển nhượng tài sản và chỉ sử dụng để ở nên chưa có nhu cầu nhận giấy chứng nhận ngay. Mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng cam kết và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận dẫn đến họ sẽ có thể trì hoãn hoàn thành nghĩa vụ 5% trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của doanh nghiệp, của chủ đầu tư.

Đồng thời, quy định như phương án hai sẽ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu tại dự thảo Luật này với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng như quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định thế nào về việc thu tiền cọc của khách hàng? (31/10/2023)

>   Định giá đất: Không đẩy việc khó xuống địa phương (30/10/2023)

>   10.000 sổ hồng sắp đến tay người dân TP HCM (30/10/2023)

>   Chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/11 (28/10/2023)

>   Đại biểu Quốc hội tranh luận quy định về thời hạn sử dụng chung cư (27/10/2023)

>   ĐBQH: Cần cụ thể hoá tiêu chí người có thu nhập thấp được hưởng chính sách về NOXH (26/10/2023)

>   Bộ trưởng Xây dựng 'lệnh' thanh tra toàn diện chung cư mini (26/10/2023)

>   TPHCM sẽ cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán giấy tay (24/10/2023)

>   Bộ Công an băn khoăn quy định trung tâm giao dịch bất động sản được cấp sổ đỏ (24/10/2023)

>   Mở rộng Kiểm toán Nhà nước trong quản lý và xác định giá đất (18/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật