CPI tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước Một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12-2022, CPI tháng 10-2023 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%.
Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 10-2023 tăng 0,08% (khu vực thành thị tăng 0,15%; khu vực nông thôn giữ ổn định). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 2 nhóm giảm giá.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10-2023 tăng 3,59%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng gồm có nhóm giáo dục tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,44 điểm phần trăm, nguyên nhân do một số địa phương tăng học phí trường công lập năm học 2023-2024. Đồng thời, các trường dân lập và tư thục cũng tăng học phí để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,88%, làm CPI chung tăng 1,29 điểm phần trăm do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng. Nhóm giao thông tháng 10-2023 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 7,22% do từ tháng 10-2022 đến nay giá xăng A95 tăng 680 đồng/lít; xăng E5 tăng 870 đồng/lít.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,84% làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm, do chi phí đầu vào sản xuất tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,81%, tác động làm CPI chung tăng 0,94 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 11,34%; thực phẩm tăng 0,93%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4%.
Tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023. Dữ liệu và infographic được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê.
Chính Phong TBKTSG
|