Chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi giá xăng dầu biến động Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh thành tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá Ngày 17-10, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá chín tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023. Thông báo nêu, trong nước giá cả, cung cầu thị trường cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đặt ra và theo xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm 2023 tăng 3,16%. Đến nay, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% có tính khả thi. Những tháng còn lại của năm 2023, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể biến động đảo chiều tăng vào cuối năm, giá các mặt hàng thiết yếu thường có biến động vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thường tăng theo quy luật. Người dân mua sắm các mặt hàng bánh kẹo, hạt dưa đón Tết 2023. ẢNH: TÚ UYÊN | Để chủ động trong công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới. Cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp. Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), hàng tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Có giải pháp bảo đảm nguồn cung giá xăng dầu và chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi giá thị trường có biến động, bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống phân phối xăng dầu. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 95/2021 và nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|