Chủ thương hiệu FoodcoMart: Ngủ quên trên đất vàng
Nhìn lại thập kỷ qua, ông chủ chuỗi FoodcoMart – CTCP Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh (Foodcosa, UPCoM: FCS) đang rơi vào hành trình đáng buồn của một doanh nghiệp Nhà nước chìm sâu trong thua lỗ dù sở hữu nhiều lợi thế. Gần đây, tại FCS còn biến động trong cơ cấu cổ đông lớn.
Foodcosa tiền thân là Công ty Kinh doanh Lương thực ra đời năm 1980 và là thành viên của Tổng Công ty Lương thực Việt Nam vào năm 1997.
Foodcosa thực hiện IPO vào ngày 15/07/2016 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) với hơn 9.7 triệu cp, tương đương 33% vốn điều lệ. Trong đợt IPO này, CTCP Đầu tư SFC là tổ chức duy nhất đã mua gần hết số cổ phần Foodcosa; bên cạnh 5 cá nhân khác mua tổng cộng 21,800 cp. Mức giá trúng bình quân 12,000 đồng/cp, giá trị thu về hơn 116.5 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Foodcosa đạt 294.5 tỷ đồng; trong đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II, UPCoM: VSF), đại diện sở hữu vốn Nhà nước, nắm 65.15%; Đầu tư SFC nắm 32.9%.
ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2017 của Foodcosa thông qua giảm vốn điều lệ từ 294.5 tỷ đồng còn hơn 255 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay, trong đó Vinafood II nắm 59.78%, Đầu tư SFC 38.86%.
Lĩnh vực hoạt động chính của Foodcosa là kinh doanh lương thực, thực phẩm và công nghệ phẩm; đại lý bán lẻ xăng dầu; bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng... Trong đó, hoạt động mang về nhiều doanh thu nhất là thu mua, chế biến mặt hàng gạo rồi xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.
Trước khi trở thành Công ty đại chúng, trong hai năm 2012 và 2013 mặc dù hoạt động kinh doanh lương thực gặp nhiều khó khăn, Foodcosa vẫn có được lợi nhuận khiêm tốn hơn 1 tỷ đồng và 118 triệu đồng.
Năm 2014, FCS sáp nhập Công ty TNHH Bình Tây - theo quyết định của Vinafood II và chấp nhận gánh khoản lỗ lũy kế 106 tỷ đồng của đơn vị này. Hệ quả, FCS lỗ gần 71 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 177 tỷ đồng. Một năm sau, Foodcosa lãi sau thuế 7.5 tỷ đồng.
Kế hoạch sau khi cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2019, Foodcosa dự kiến tăng trưởng lợi nhuận bình quân 77% mỗi năm.
Thế nhưng trên thực tế, kết quả kinh doanh của FCS vô cùng “xám xịt” khi có chuỗi 7 năm liên tiếp thua lỗ từ 2016 - 2021, trước khi có lãi “còi” trở lại, chỉ 106 hơn trăm triệu đồng vào năm 2022.
Nửa đầu năm nay, nhờ tiết giảm một số chi phí và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, FCS lãi được hơn nửa tỷ đồng, tuy nhiên số lỗ lũy kế vẫn còn hơn 193 tỷ đồng. FCS cho biết tình hình tài chính của Công ty còn rất khó khăn, vốn lưu động vẫn luôn âm và chưa có được sự hỗ trợ vốn từ tổ chức nào. Tuy nhiên, Công ty đã rất cố gắng và nỗ lực để có lãi và giảm lỗ.
Tính đến 30/06/2023, tổng tài sản của FCS hơn 723 tỷ đồng, chiếm 92% trong đó là tài sản cố định.
Hiện, Foodcosa có 7 xí nghiệp lương thực và 1 công ty liên kết là CTCP Phú Tam Khôi (hoạt động chính là bán buôn thực phẩm, đồ da dụng) với tỷ lệ sở hữu 40% vốn, tương ứng giá trị đầu tư gốc gần 6 tỷ đồng. Trong danh mục đầu tư tài chính, FCS còn sở hữu 15% vốn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đồng Thịnh (gần 11 tỷ), 4.73% vốn CTCP Bao bì Bình Tây (gần 2 tỷ) và 0.04% vốn Ngân hàng Saigonbank (hơn 1 tỷ).
Ngoài ra, Foodcosa cũng phân phối sản phẩm với ba chi nhánh FoodcoMart Sài Gòn, Tây Ninh và Đắk Nông. Bên cạnh đó, Foodcosa còn quản lý và sử dụng 4 lô đất với tổng diện tích 36,084 m2, tổng nguyên giá tạm xác định là hơn 561 tỷ đồng (tính tới 30/06/2023).
Nguồn: BCTC bán niên soát xét 2023 của FCS
Khu đất số 400 Nguyễn Duy (phường 9, quận 8, TPHCM) được xem là đất “vàng” khi nằm ở khu dân cư đông đúc, cách chợ Bến Thành 5 km, hai mặt tiền đường Nguyễn Duy và Hưng Phú, nằm ven sông và bên cạnh Đại lộ Đông Tây. Khu đất từng được FCS ký hợp đồng kinh doanh với CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) vào năm 2010, nhằm thực hiện dự án khu cao ốc liên hợp trung tâm thương mại – dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ (căn hộ Bella Vista). Dự án được dự kiến khởi công vào quý 4/2010 và hoàn thành vào 2012.
Khu đất tại địa chỉ số 400 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TPHCM. Ảnh: Google Maps
FCS góp vốn bằng giá trị tài sản trên đất và lợi thế kinh doanh của mặt bằng, Bến Thành Land góp toàn bộ vốn để đầu tư xây dựng dự án (dự kiến 992.9 tỷ đồng). FCS sẽ được chia một khoản lợi nhuận cố định và không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của dự án (khoảng 35 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ lợi nhuận cho FCS, Bến Thành Land được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh, khai thác của dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 12/03/2018, Bộ Tài chính có quyết định thu hồi và bàn giao cơ sở nhà đất 400 Nguyễn Duy về UBND TPHCM. Ngày 17/09, UBND TPHCM có ý kiến về phương án sắp xếp, xử lý đối với 66/68 cơ sở nhà đất của Vinafood II (công ty mẹ của FCS) trên địa bàn thành phố.
Tại thời điểm 30/06/2023, khu đất 400 Nguyễn Duy có nguyên giá tạm xác định hơn 119 tỷ đồng nhưng Foodcosa cho biết vẫn chưa có đầy hồ sơ pháp lý, cũng như chưa tiến hành bàn giao nên chưa được ghi giảm. Công ty sẽ thực hiện điều chỉnh khi có đầy đủ pháp lý.
Trong khi đó, khu đất số 1610 Võ Văn Kiệt (phường 7, quận 6, TPHCM) từng được FCS dự kiến hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, triển khai dự án nhà ở cao tầng, kết hợp với thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, hợp đồng hợp tác kinh doanh này đã chấm dứt ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của FCS.
Khu đất tại địa chỉ số 1610 Võ Văn Kiệt, phường 7, quận 6, TPHCM. Ảnh: Google Maps
Trong thời gian từ 16/08 – 29/08/2023, CTCP Tập đoàn Somo Việt Nam (tiền thân là Đầu tư SFC) đã bán toàn bộ hơn 9.9 triệu cp FCS đang nắm giữ, tương đương 33.36% vốn. Hoàn tất thương vụ này, tổ chức này chính thức rút khỏi FCS sau hơn 7 năm gắn bó.
Hiện, người đại diện góp vốn của Somo Việt Nam tại Foodcosa là bà Nguyễn Ngọc Mai Trinh - Trưởng ban Kiểm soát, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Thành viên HĐQT và bà Trần Thị Xuân Mai - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Ngay sau khi Somo Việt Nam thoái xong vốn, tại FCS xuất hiện hai cổ đông lớn mua vào gần hết số cổ phần nói trên. Cụ thể, bà Phan Thị Bích Tuyên trở thành cổ đông lớn tại FCS sau khi mua vào 2.6 triệu cp trong ngày 25/08 và đạt sở hữu 8.83%. Trước đó, bà Tuyên không sở hữu cổ phiếu FCS.
Phiên 25/08 ghi nhận đúng số lượng cổ phiếu FCS bằng với báo cáo giao dịch của bà Tuyên, tổng giá trị thoả thuận đạt 26.26 tỷ đồng. Nhiều khả năng, bà Tuyên đã mua số cổ phiếu nói trên với giá trung bình 10,100 đồng/cp – thấp hơn 23% thị giá phiên hôm đó (13,100 đồng/cp).
Đến ngày 29/08, CTCP Đầu tư Song Mộc lần đầu xuất hiện tại FCS sau khi mua hơn 7.04 triệu cp FCS trong tổng số 7.15 triệu đã đăng ký (tỷ lệ thành công 98%) và chính thức nắm giữ 23.91% vốn tại đây.
Đáng nói, trong hai phiên 27 và 29/08 đều ghi nhận số cố phiếu FCS được giao dịch thỏa thuận đúng bằng số lượng cổ phiếu mà bà Tuyên và Song Mộc báo cáo, tổng giá trị giao dịch gần 97.4 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 10,100 đồng/cp – thấp hơn thị giá của hai phiên hôm đó.
Tập đoàn Somo Việt Nam thành lập vào tháng 06/2012 với tiền thân là CTCP Đầu tư SFC, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Đình Quyền (Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật) nắm 10%, ông Nguyễn Lâm Vinh Dự 10% và ông Lâm Thanh Cường 80%.
Theo website giới thiệu, Somo Việt Nam tham gia vào thị trường lần đầu tiên vào năm 2012 bằng khách sạn Kim Linh 1 với quy mô vận hành 14 phòng. Một thời gian sau, Công ty xây thêm khách sạn Kim Linh 8 với quy mô 40 phòng để mở rộng hoạt động. Măm 2015, tòa nhà Somo Tower (quận 1, TPHCM) chính thức đi vào hoạt động.
Cuối tháng 11/2015, cổ đông lớn nhất là ông Lâm Thanh Cường chuyển toàn bộ vốn sở hữu sang cho ông Nguyễn Lâm Vinh Huy, cơ cấu cổ đông còn lại không đổi. Đầu tháng 04/2019, ông Huy giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật cho đến nay.
Qua 5 đợt tăng vốn, vốn điều lệ Somo Việt Nam hiện nay lên 680 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Ngày 01/09/2016, Somo Việt Nam (khi còn tên cũ là Đầu tư SFC) sở hữu 38% cổ phần Foodcosa và chính thức tham gia vào thị trường hàng tiêu dùng. Cùng năm, CTCP Đầu tư Song Mộc ra đời, là một công ty con trực thuộc Somo Việt Nam, chuyên phụ trách các mảng đầu tư. Ngày 01/08/2020, Somo Việt Nam sở hữu 41% cổ phần CTCP Kinh doanh Thủy Hải sản Sài Gòn (UPCoM: APT).
Có thể thấy, Somo Việt Nam không hoàn toàn thoái vốn khỏi Foodcosa mà chỉ là thủ tục chuyển sở hữu từ công ty mẹ sang công ty con.
Kể từ khi niêm yết (03/03/2017), giá cổ phiếu FCS không có nhiều biến động và không có thanh khoản trong nhiều năm do cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường quá ít. Ngay trước thềm sự xuất hiện các cổ đông mới, giá cổ phiếu FCS tăng một mạch từ cuối tháng 6/2023 và có chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 04-10/08/2023.
Theo giải trình, FCS cho biết giá cổ phiếu FCS tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. FCS khẳng định luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh lịch sử ở mức 18,200 đồng/cp (ngày 10/08), giá cổ phiếu FCS bắt đầu trượt dài. Kết phiên 04/10, thị giá FCS dừng mức 8,800 đồng/cp, giảm 52% so với đỉnh, song vẫn tăng gần 70% so với hồi đầu năm.
|
Thế Mạnh
FILI
|