BIDV sắp phát hành gần 642 triệu cp trả cổ tức
HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa thông qua phương án phát hành tối đa gần 642 triệu cp để trả cổ tức năm 2021. Với tỷ lệ sở hữu 80.99% vốn BIDV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ được nhận thêm gần 520 triệu cp từ đợt phát hành này.
Ngày 11/10/2023, HĐQT BIDV đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích lập các quỹ năm 2021.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành tối đa 641.9 triệu cp phổ thông với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành tương ứng là 12.69% số cổ phiếu đang lưu hành.
Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Thời gian phát hành dự kiến vào quý 4/2023. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của BIDV hơn 10,072 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ hơn 6,474 tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn của BIDV. Đvt: Tỷ đồng
|
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 6,419 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50,585 tỷ đồng lên 57,004 tỷ đồng.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả.
Trong đó, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, tín dụng bán lẻ.
Tiếp tục đầu tư có hiệu quả trên thị trường; đầu tư và kinh doanh giấy tờ có giá, thực hiện đầu tư vào các đơn vị theo lộ trình.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đem lại tiện ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế, dành nguồn lực để phát triển các sản phẩm dịch vụ cho phân khúc khách hàng giàu có, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập; nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro…
Mở rộng, nâng cao chất lượng kênh phân phối hiện đại trong nước, khu vực và trên thế giới gắn với phát triển thương hiệu BIDV.
Cơ cấu cổ đông của BID tính đến ngày 30/06/2023
Nguồn: BIDV
|
Với tỷ lệ sở hữu 80.99% vốn BIDV, Ngân hàng Nhà nước sẽ được nhận thêm gần 520 triệu cp từ đợt phát hành này. Tiếp đến là cổ đông ngoại KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn BID, dự kiến được nhận thêm hơn 96 triệu cp mới.
Trước đó, ĐHĐCD thường niên 2023 của BIDV đã đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61,557 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 1.1 tỷ cp. Trong đó, Ngân hàng dự kiến phát hành gần 642 triệu cp trả cổ tức năm 2021.
Đồng thời, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cp theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4,552 tỷ đồng.
Khang Di
FILI
|