Bất động sản nghỉ dưỡng ‘cắt lỗ’ tiền tỷ, sẵn tiền có nên đầu tư?
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang “cắt lỗ” từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nhà đầu tư có sẵn tiền tỷ thời điểm này băn khoăn có nên đổ tiền đầu tư?
Quan sát trên thị trường, anh Trần Phương, một nhà đầu tư ở Hà Nội thấy hiện có nhiều thông tin rao bán "cắt lỗ" biệt thự, căn hộ khách sạn (condotel) tại một số địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh... Biệt thự giá vài chục tỷ cắt lỗ đến 2-3 tỷ đồng.
Không có nhiều tiền để mua, anh Phương “nhắm” đến các căn hộ condotel có mức giá 2 - 4 tỷ đồng, đang rao bán lỗ vài trăm triệu đồng. Sẵn khoản 3 tỷ đồng gửi ngân hàng, anh Phương cân nhắc liệu có nên rút tiền để đầu tư condotel cho thuê.
Điều anh Phương băn khoăn, các căn hộ condotel chưa có “sổ hồng”, liệu có mất giá? Việc vận hành cho thuê hiệu quả hơn lãi suất ngân hàng không?
Sẵn tiền, nhà đầu tư băn khoăn có nên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này?
|
Đánh giá về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Cao, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Vạn Khang Phát cho rằng, tín hiệu phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn yếu.
“Phân khúc này hiện không hấp dẫn các nhà đầu tư. Sức đầu tư chung của thị trường đang rất yếu, ít giao dịch. Nếu như trước đây, khi dòng tiền trên thị trường nhiều, huy động đòn bẩy tài chính dễ, nhiều người đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng. Sau thời gian chứng kiến hiệu quả từ việc đầu tư không cao như kỳ vọng, dòng tiền đầu tư trong tương lai sẽ thay đổi, họ không đầu tư quá nhiều vào bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Cao nói.
Với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đang được rao bán cắt lỗ, ông Cao cho rằng, dù nói ‘cắt lỗ’, nhưng vẫn chưa về vùng giá thật.
“Cắt lỗ so với lúc giá ở mức “đỉnh”, còn so với giá trị thực và sức khỏe nền kinh tế thì giá vẫn đang cao. Giá bất động sản nói chung đang ở mức quá cao so với mức thu nhập đầu người. Đây là sự bất hợp lý. Giá cả bất động sản đang giảm nhưng so với thời điểm 2019 – 2020 vẫn cao.
Bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc, Quy Nhơn… đều có giá cao. Giá bị “thổi” lên mức 5 – 6 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 10 lần so với chục năm trước đây”, ông Cao đánh giá.
Vị này cũng nhận định, nhanh nhất đến năm 2026 phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi, còn không sẽ phải chờ lâu hơn.
Với nhà đầu tư có sẵn vài tỷ đồng có nên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lúc này hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Cao cho hay, tùy khu vực, dự án và vị trí để cân nhắc việc đầu tư. Khi đầu tư cần nhìn được lượng khách tới vùng định đầu tư có lớn hay không, nếu lớn thì tiềm năng khai thác du lịch, nghỉ dưỡng mới cao.
“Nếu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng để đó, chờ tăng giá sẽ khó đem lại lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Nếu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng rồi cho thuê giai đoạn này không khả thi so với biên độ lợi nhuận trên hiệu suất tổng giá thành. Đầu tư rồi cho thuê, lợi nhuận chưa chắc cao bằng gửi tiền vào ngân hàng. Trong dài hạn, đầu tư bất động sản để ở vẫn an toàn hơn so với các phân khúc khác”, ông Cao khuyến cáo.
Một con số liên quan đến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam từ Savills Hotels cho thấy, tính đến 8 tháng đầu năm nay, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%. Trong khi đó, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%.
Quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh diễn ra không đồng đều, Nha Trang - Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.
Tại Phú Quốc, công suất trung bình chỉ ở mức 30% và là một trong những thị trường kém hiệu suất nhất khu vực Đông Nam Á. Công suất khu vực Nha Trang - Cam Ranh cũng ở mức tương tự, tuy nhiên mức giá phòng bình quân thấp hơn 100 USD/đêm.
Với những thông tin này, hy vọng những nhà đầu tư như anh Phương sẽ có thêm cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.
Nguyễn Lê
Vietnamnet
|