‘Miếng bánh’ vận tải đường sắt ngày càng teo tóp
Tính tới hết tháng 8 vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt vận chuyển được hơn 1,7 triệu lượt khách và 1 triệu tấn hàng hoá, mang về doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng. Lượng khách và doanh thu này chỉ hơn một nửa so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19. Qua từng năm, thị phần vận tải khách của đường sắt teo tóp dần.
Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, trong 8 tháng năm nay, đường sắt quốc gia do Tổng Công ty Đường sắt (VNR) khai thác vận chuyển được hơn 1,7 triệu lượt khách (bằng 66% của năm 2019); hơn 1 triệu tấn hàng hoá. Doanh thu từ khách và hàng đạt hơn 2.858 tỷ đồng (bằng 67% của năm 2019).
Theo số liệu từ VNR, tính tới hết tháng 7, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ - VNR (không bao gồm dịch vụ công ích) đạt hơn 1.126 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu hợp nhất của VNR đạt hơn 3.732 tỷ đồng, tăng hơn 17%, trong đó có hơn 1.400 tỷ đồng thu từ đặt hàng quản lý, bảo trì đường sắt của nhà nước.
Tính riêng 2 Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, doanh thu từ vận tải khách và hàng đạt hơn 1.953 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Thị phần vận tải khách của đường sắt ngày càng thấp so với các loại phương tiện giao thông khác (Ảnh: H.Việt).
|
Bộ GTVT đánh giá, những năm 1980, thị phần vận tải đường sắt trong toàn ngành giao thông chiếm tới hơn 29%. Tuy nhiên, những năm gần đây, với hệ thống đường bộ, cảng biển được đầu tư tốt, hàng không phát triển mạnh, khả năng cạnh tranh vận tải đường sắt ngày càng giảm, dẫn đến vận tải đường sắt sụt giảm cả về khối lượng, thị phần và doanh thu.
Cụ thể, năm 2010, đường sắt chỉ vận chuyển được hơn 1,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2019, khách đường sắt giao động trong khoảng 2,5 - 2,9 triệu lượt khách, doanh thu quanh mốc 4.000 tỷ đồng (cao nhất vào năm 2014 với hơn 4.900 tỷ đồng).
Sau đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách và doanh thu đường sắt đều giảm. Giảm mạnh nhất vào năm 2021, khi chỉ có 500 nghìn lượt khách, doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng.
Về thị phần, cùng giai đoạn 2010 tới nay, thị phần vận tải khách và hàng của đường sắt đều giảm. Năm 2010, thị phần vận tải khách đường sắt chiếm 0,48% tổng lượng khách toàn ngành giao thông, tới năm 2019 con số này chỉ còn 0,16%, năm 2022 còn 0,12% và 8 tháng của năm nay là 0,15%.
Lý do dẫn tới thực tế trên, Bộ GTVT cho rằng, chất lượng kết cấu hạ tầng, công nghệ vận tải đường sắt lạc hậu, khả năng kết nối giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác còn nhiều bất cập.
Trước đó, năm 2022, VNR đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 7.718 tỷ đồng, lỗ sau thuế 130 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ lỗ sau thuế 200 tỷ đồng.
Năm 2023, VNR dự kiến đạt tổng doanh thu trên 6.148 tỷ đồng, lỗ hợp nhất sau thuế khoảng 55 tỷ đồng. Trong khi đó, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước giao Công ty mẹ - VNR năm nay lãi sau thuế 3 tỷ đồng.
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021 – 2025.
Lê Hữu Việt
Tiền phong
|