Xuất khẩu dệt may đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế, bảo vệ môi trường... đang là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường xuất khẩu.
Mặc dù 8 tháng liên tiếp lũy kế kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đều giảm 14,4% - 37,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đã xuất hiện nhiều tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển cho hàng dệt may.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8-2023 đạt 3,4 tỉ USD, cao nhất trong 11 tháng gần đây, tăng 5,5% và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường chủ lực Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 1,5 tỉ USD tăng 2,3% so với tháng trước.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI TP HCM), chia sẻ thông tin tích cực trên tại lễ khai mạc Triển lãmquốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam do Công ty Giải pháp Dệt May Bền Vững (STS), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI TP HCM), Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) cùng một số đơn vị phối hợp tổ chức đã mở cửa đón khách tại TP HCM sáng 20-9.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm làm từ vải có sử dụng nguyên liệu thiên nhiên/nguyên liệu tái chế tại exfuture Việt Nam
|
Ông Liêm cho biết dệt may là 1 trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất trong 8 tháng vừa qua. Theo thống kê hải quan, hàng dệt may xếp 37 trong 45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm, chỉ đạt 22,5 tỉ USD, giảm 3,8 tỉ USD (hay giảm 14,4%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Mỹ đạt 10 tỉ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỉ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỉ USD giảm 3%.
Về định hướng phát triển cho ngành dệt may trong thời gian tới, người đứng đầu VCCI TP HCM, cho hay tầm nhìn từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may, doanh nghiệp cần thích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may. Nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Kéo dài từ ngày 20 đến 22-9 với chủ đề "Cùng nhau tái chế - cùng nhau tuần hoàn", Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam nhận được sự quan tâm và đồng hành của hơn 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1000 thương hiệu thời trang Việt và hơn 2500 lượt khách tham quan và theo dõi.
|
T. Nhân
Người lao động
|