Xu hướng phí môi giới về 0 ở các công ty chứng khoán sẽ lên ngôi?
Trong bối cảnh thị phần môi giới giữa các công ty chứng khoán ngày càng cạnh tranh, vai trò của môi giới chứng khoán trở nên cực kỳ quan trọng. Các công ty chứng khoán đã nhận ra điều này và đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo và phát triển đội ngũ môi giới có trình độ, nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn chất lượng và thu hút nhà đầu tư một cách hiệu quả.
Tuy nhiên thị phần là hữu hạn, các công ty lớn đi trước đã chiếm những vị trí khá vững chắc.
Danh sách top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất trên sàn HOSE gần như không thay đổi qua các năm gần đây, các công ty này chiếm 65-70% thị phần. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 88 công ty chứng khoán, như vậy khoảng gần 80 công ty chứng khoán sẽ tranh nhau hơn 30% thị phần còn lại. Một thực tế cực kỳ khốc liệt.
Các công ty ngoài top 10 thị phần thường có tên tuổi và vị thế trong ngành chứng khoán nhỏ hơn. Đội ngũ nhân sự môi giới không mạnh bằng top 10. Vậy con đường nào là lối thoát cho mảng môi giới của các công ty chứng khoán còn lại này?
Cạnh tranh về phí trở thành một xu hướng nổi bật của nhóm công ty chứng khoán. Từ khi Thông tư 128/2018 hiệu lực từ năm 2019 bỏ quy định về giá sàn phí giao dịch chứng khoán, nhiều công ty đã đưa ra chính sách giảm phí mạnh, thậm chí là miễn phí giao dịch.
Phí môi giới là khá quan trọng với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Đặc biệt với những người vào ra nhanh và dùng đòn bẩy cao, mức phí này có thể lên từ 10-30%/năm/vốn gốc. Do đó, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn mở tài khoản.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, mức phí này không ảnh hưởng rõ rệt vào tài khoản nhà đầu tư. Do vậy một bộ phận các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư mới vẫn có xu hướng chấp nhận phí cao, tìm kiếm các cộng đồng lớn để hy vọng có lợi thế về tin tức so với thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có rất nhiều tài khoản cá nhân bị cháy tài khoản dẫu tham gia rất nhiều đội nhóm khi thị trường đảo chiều. Việc tư vấn hiện nay chưa có quy chuẩn rõ ràng, và mang nặng tính cá nhân của nhân viên môi giới. Những thông tin kiểu rỉ tai, thông thường khi đến nhân viên môi giới đã trễ, thậm chí là thời điểm cá mập ra hàng.
Với các nhà đầu tư lâu năm chuyên nghiệp, những người cũng thừa hiểu làm gì có bữa tiệc miễn phí nào cho số đông. Họ sẽ tự trang bị cho mình kiến thức vững chắc thông qua các công cụ phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, đầu tư dựa trên một loạt các nguyên tắc nhất quán.
Lúc này họ sẽ có nhu cầu giao dịch ở các công ty chứng khoán với chi phí vốn vay thấp hoặc phí giao dịch thấp để tiết kiệm vài phần trăm, thậm chí vài chục phần trăm/năm.
Đây chính là cơ hội cho các công ty có lợi thế về vốn, về chi phí bộ máy tham gia.
Một số công ty có nguồn vốn ngoại với nguồn vốn rẻ hiện nay đã lựa chọn cách cho vay margin với lãi suất cạnh tranh hơn mặt bằng chung, như KIS, KBSV cung cấp lãi suất margin dưới 13%/năm. Một số công ty chứng khoán chọn lựa cách hạ phí môi giới về 0, chỉ tính phí 0.03% thanh toán cho Sở giao dịch chứng khoán như Pinetree, DNSE.
Tuy mất đi nguồn thu từ phí môi giới, các công ty này sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ mảng môi giới bằng các hoạt động cho vay hoặc bán chéo các sản phẩm như trái phiếu. Quan trọng là phải có tệp khách hàng đủ lớn, đó là ý nghĩa mới của thị phần môi giới đối với công ty chứng khoán.
Phí theo xu hướng sẽ về 0, các CTCK lúc này phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch.
Với nhân viên môi giới, phải tự nâng cao kiến thức, đầu tư nhiều chất xám hơn cho hoạt động tư vấn vì cần hiểu rõ về kinh tế vĩ mô, biến động các thị trường, kiến thức đầu tư các loại tài sản. Khi đó, môi giới sẽ không phải chèo kéo khách, thúc đẩy giao dịch lo doanh số mà tập trung vào nâng cao chất lượng tư vấn, đồng hành cùng nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hơn.
Trần Vương
FILI
|