Thị trường thực phẩm hữu cơ của Việt Nam chưa minh bạch Các chuyên gia cho rằng cần bỏ khái niệm “hướng hữu cơ” vì thể hiện không minh bạch, ảnh hưởng các đơn vị sản xuất thực phẩm hữu cơ chân chính
Ngày 19-9, tại TP HCM, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tổ chức chuỗi sự kiện "Ngày Hữu cơ Việt Nam" (19-9 hằng năm). Phát biểu tại sự kiện TS khoa học Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thông tin tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tính đến hết năm 2021 là 119.105 ha, chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, theo đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ 2020-2030 cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất sản xuất nông nghiệp là sản xuất hữu cơ chiếm 2,5-3%; giá trị gia tăng của các sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường là 1,5 – 1,8 lần. "Có thể nói giai đoạn hiện nay là thời cơ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ khi có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do,…" – ông Mịch nói. Ông Hà Phúc Mịch (đứng) nói về hiện tượng lạm dụng từ ngữ "hướng hữu cơ" |
Tuy nhiên, ông Mịch cũng nêu thực tế hiện nay thị trường đang hiện tượng lạm dụng khái niệm "hướng hữu cơ" gây nhầm lẫn với sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thể hiện sự không minh bạch. "Bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từ chối tham dự các sự kiện sử dụng khái niệm hướng hữu cơ" – ông Mịch nhấn mạnh. Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang bị khủng hoảng niềm tin. Đó là lý do vì sao chứng nhận hữu cơ của Việt Nam chi phí thấp hơn chứng nhận của các tổ chức quốc tế nhưng ít nhà sản xuất Việt Nam sử dụng. Kinh nghiệm từ các nước là phải tuân thủ đúng ngay từ đầu. Tránh trường hợp chứng nhận hữu cơ Việt Nam rơi vào vết xe đổ của các chứng nhận khác trong lĩnh vực nông nghiệp trước đó. "Để có được niềm tin của người tiêu dùng, các nhà sản xuất hữu cơ có thể mời khách hàng đến tham quan bất cứ lúc nào để chứng minh sự minh bạch. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy khi đã có niềm tin của người tiêu dùng, thực phẩm hữu cơ có thể được tiêu thụ trong cộng đồng mà không cần phải có sự chứng nhận của bên thứ 3" – ông Mịch nêu.
Tin- ảnh: Ngọc Ánh Người lao động
|