Thép SMC chỉ mong không lỗ trong 6 tháng cuối năm
Trải qua nửa đầu năm 2023 đầy thách thức, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) chỉ mong không lỗ trong 6 tháng cuối năm.
Theo nghị quyết ngày 31/08, công ty thương mại thép SMC đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 440,000 tấn và “phấn đấu không lỗ” trong 6 tháng cuối năm.
SMC đưa ra kế hoạch bi quan trong 6 tháng cuối năm trong bối cảnh nhu cầu thép ảm đạm, giá thép xây dựng giảm 18 lần liên tiếp và quan trọng nhất là thị trường bất động sản chưa có tín hiệu phục hồi.
Theo các chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhu cầu thép trong nước sẽ tiếp tục chậm lại trong nửa cuối năm do hoạt động xây dựng và công nghiệp yếu. Nhu cầu thép ở nước ngoài vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, chính sách kinh tế vĩ mô và sự can thiệp thương mại.
“Với kỳ vọng thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi vào cuối quý 4/2023, nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ vào năm 2024”, VDSC nhận định.
Lỗ nặng vì trích lập dự phòng
Trước đó, SMC vừa trải qua giai đoạn đầy thách thức trong nửa đầu năm.
Trong BCTC soát xét bán niên 2023, Công ty lỗ ròng 385 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ 371 tỷ đồng từ BCTC tự lập.
Bên cạnh sự đi xuống của hoạt động kinh doanh cốt lõi, SMC còn phải trích lập dự phòng nợ xấu hơn 200 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Trong đó, hơn 100 tỷ đồng trích lập liên quan tới các công ty của Novaland, bao gồm Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City và Công ty TNHH Thành phố AQUA.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2023 của SMC
|
Cuối tháng 6/2023, SMC sở hữu 5.4 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt và tiền gửi gần 1.5 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 1.3 ngàn tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 2.2 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 1.3 ngàn tỷ đồng nợ xấu và đã trích lập 253 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.3 ngàn tỷ đồng.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn ở mức 5.6 ngàn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 2.7 ngàn tỷ đồng.
Vũ Hạo
FILI
|