Sắp trình đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải dự kiến cuối năm nay sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gửi các bộ ngành lấy ý kiến dự thảo báo cáo Quốc hội về thực hiện chính sách và đầu tư đường sắt năm nay.
Liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho hay, theo quy hoạch, từ nay tới năm 2030, sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.
Về tiến độ chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ triển khai lập đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, dự kiến trong năm 2023, phấn đấu trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025.
Dự kiến, trong năm nay, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền xem xét thông qua đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh đường sắt cao tốc Tây Ban Nha).
|
Đây là dự án có tính chất phức tạp, quy mô rất lớn cả về vốn đầu tư, tới kỹ thuật, lần đầu triển khai tại Việt Nam, dự án có tác động sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, gồm: Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức. Kinh nghiệm từ chuyến đi sẽ cập nhật, bổ sung hoàn thiện đề án báo cáo Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
Trong các quốc gia trên, Trung Quốc có mạng đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới, Tây Ban Nha có mạng đường sắt lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 thế giới. Đây là 2 nước nhận chuyển giao công nghệ trong khi Nhật Bản và Đức là 2 nước làm chủ công nghệ về đường sắt tốc độ cao.
Để triển khai được dự án trên, Bộ GTVT cho rằng, cần ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao. Bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất (nhất là tại các ga đường sắt) để huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế giao, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Với đặc thù phát triển đường sắt đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, dài hạn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.
Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với 2 phương án chính được tập trung nghiên cứu.
Phương án 1: Xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.
Phương án 2: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.
Lê Hữu Việt
Tiền phong
|