“Núi” nợ doanh nghiệp sẽ châm ngòi cho suy thoái vào năm 2024
Công ty quản lý đầu tư Fidelity International vẫn kiên trì với lời cảnh báo suy thoái ngay cả khi Phố Wall đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều hướng nền kinh tế Mỹ hướng tới một cuộc “hạ cánh” nhẹ nhàng.
Theo ông Salman Ahmed - Giám đốc toàn cầu của mảng chiến lược vĩ mô và phân bổ tài sản tại Fidelity International, tác động đầy đủ từ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và nguy cơ suy thoái sẽ thành hiện thực vào năm 2024, sau khi diễn ra làn sóng tái cấp vốn nợ doanh nghiệp trong 6 tháng tới.
Ông nói: “Điểm cuối của chu kỳ thắt chặt lần này là suy thoái. Nếu Fed không rút lui vào một thời điểm nào đó, mọi người sẽ phải trả mức lãi suất thực cao hơn hiện nay”.
Sau thời kỳ tiền rẻ vì đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp phải đối mặt với “núi” nợ sắp đáo hạn trong kỷ nguyên mới với lãi suất cao hơn. Những tác động đến chậm của việc thắt chặt chính sách sẽ là nguyên nhân cuối cùng đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, ông Ahmed nhận định.
Chi phí vay nợ cao hơn sẽ khiến doanh nghiệp giảm đầu tư và trả lương thấp hơn cho công nhân, trong khi các yếu tố khác không đổi. Định giá cổ phiếu cao và chênh lệch tín dụng thu hẹp là dấu hiệu cho thấy đợt suy thoái sắp tới vẫn chưa được định giá đầy đủ trên thị trường.
Ông nói: “Người đi vay không cảm nhận được toàn bộ áp lực về lãi suất vì họ đang chịu lãi suất cố định. Nhưng một công ty tự huy động vốn ở mức 2%, 3%, 4% bây giờ sẽ phải chịu mức 10%, 11%, 12%. Đó là một cú sốc lớn”.
Để chuẩn bị cho làn sóng tái cấp vốn xảy ra vào đầu năm 2024, Fidelity International đã tăng tỷ trọng tiền mặt của họ sau khi giữ ở mức trung bình trong hai tháng qua. Họ giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, tăng tỷ trọng trái phiếu cấp đầu tư lên mức cao hơn trái phiếu lợi suất cao và đưa tỷ trọng trái phiếu chính phủ về mức trung bình trong tháng 9.
Dự báo ảm đạm của ông Ahmed được đưa ra khi nhiều nhà kinh tế ở Phố Wall đang dần loại bỏ lời cảnh báo về một cuộc suy thoái. Ông Ahmed vẫn xem suy thoái là kịch bản cơ bản của mình.
Theo ông, việc nền kinh tế tỏ ra mạnh mẽ khi đối mặt với lãi suất cao hơn là dấu hiệu cho thấy độ trễ của chính sách tiền tệ vẫn đang tác động đến hệ thống, chứ không phải là dấu hiệu báo trước của một cuộc hạ cánh mềm.
Lập luận của ông được hỗ trợ bởi nghiên cứu gần đây của một nhóm quan chức Fed. Trong lịch sử, phải mất khoảng một năm để các công ty cảm nhận được toàn bộ tác động của chu kỳ tăng lãi suất, báo cáo cho thấy.
Nhữgn dấu hiệu hạ nhiệt trong nền kinh tế Mỹ đang xuất hiện khi niềm tin của người tiêu dùng chạm mức thấp nhất kể từ năm 2021. Dữ liệu mới đây cũng cho thấy các nhà tuyển dụng ở Mỹ tuyển dụng với tốc độ ổn định trong tháng 8 mặc dù tốc độ tăng lương chậm lại, khiến thị trường đặt cược Fed có thể sẽ tăng lãi suất hơn nữa.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|