Những dự án tỷ đô bị thu hồi của Bitexco
Thời gian qua, ngoài việc không thể thanh toán trái phiếu đúng hạn cho trái chủ, Bitexco còn liên tiếp bị thu hồi các dự án lớn, bên cạnh những dự án khủng đắp chiếu nhiều năm.
The Manor Central Park
Gần đây nhất vào giữa tháng 8, UBND TP. Hà Nội ra “tối hậu thư”, yêu cầu CTCP Bitexco khẩn trương bàn giao 5.3 ha diện tích đất đang quản lý tại khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park) tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 6889 ngày 28/11/2019 của UBND TP trước ngày 15/09/2023.
Nguồn: Bitexco
|
Ngày sau đó Bitexco lên tiếng cho biết, ngày 30/06/2015, UBND TP. Hà Nội chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 dự án khu đô thị Nam đường vành đai 3 do Công ty làm chủ đầu tư theo Quyết định 3021. Đồng thời Bitexco cũng là nhà đầu tư dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì theo Hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) ký năm 2014.
Lô đất có diện tích 5.3 ha bị thu hồi nằm ngoài quỹ đất giao Bitexco đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Bitexco cho biết, các ô đất này đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật nhưng sở dĩ chưa bàn giao cho cơ quan quản lý vì Công ty muốn được đầu tư tổng thể khu đô thị Nam đường Vành đai 3 hoàn chỉnh. Dự án được giới thiệu có vốn đầu tư lên tới 1.9 tỷ USD.
Tứ giác Mả Lạng
Một dự án khác tại thành phố đông dân nhất Việt Nam của Bitexco cũng bị thu hồi là khu Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay khu Tứ giác Mả Lạng), phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh – Mả Lạng được giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh
|
Hồi đầu năm nay, Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã giao các đơn vị liên quan tham mưu trả lời cho nhà đầu tư (Bitexco) về việc không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện dự án này.
Được biết, đây là dự án TPHCM chuyển cho Bitexco thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại từ năm 2006. Theo tính toán, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào năm 2009 lên đến khoảng 5,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 20 năm về tay Tập đoàn này, dự án vẫn “án binh bất động”. Trước đó, dự án từng giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư nhưng không thể triển khai.
Khu Thanh Đa
Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với diện tích hơn 426.9 ha, từng được kỳ vọng trở thành một khu đô thị sinh thái nằm trọn vẹn trên bán đảo Thanh Đa, có từ năm 1992, đối trục với khu đô thị Thủ Thiêm. UBND TPHCM xác định quy hoạch sẽ là “lá phổi xanh” nhưng đến nay đã trở thành dự án treo lâu nhất của thành phố với hơn ba thập kỷ.
Phối cảnh khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa trở thành “quá khứ”
|
Năm 2013, Bitexco liên danh cùng Tập đoàn Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) nhận chỉ định từ Thành phố tiến hành triển khai dự án với giai đoạn đầu tiên từ 2016 đến 2020, chủ yếu tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, không may cho Bitexco khi đối tác duy nhất trong Liên danh đã đề nghị không tiếp tục dự án, hai công ty đi đến thỏa thuận chấm dứt liên danh ngay sau đó. Như vậy, sau 10 năm trôi qua dự án vẫn tiếp tục bị “treo lại”.
Thanh Tú
FILI
|