Các vụ lừa đảo trong đầu tư hầu như xuất phát từ lòng tham, sự cả tin, hay cả hai của người bị hại. Các phương thức đều không mới nhưng có lẽ do hạn chế trong khả năng xác định ngưỡng của niềm tin và rủi ro nên không ít người vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ.
Ngưỡng của niềm tin
Một người bị hại trong vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần đây cho biết vì nhìn vào cơ sở vật chất, nhìn vào đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ cố vấn của doanh nghiệp thì tin tưởng vô cùng, từ đó không chỉ tham gia đầu tư mà còn giới thiệu nhiều người khác cùng tham gia.
Sức mạnh tài chính của doanh nghiệp, uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, của đội ngũ cố vấn doanh nghiệp là những tài sản hữu hình và vô hình mà nhà đầu tư thường đánh giá trước khi ra quyết định. Thế nhưng không nhiều người biết được rằng chất lượng của những tài sản này mới là điều quan trọng nhất.
Tài sản cố định của một doanh nghiệp trong thực tế không chỉ hình thành từ vốn chủ sở hữu, mà nó còn được hình thành từ vốn vay. Văn phòng, nhà máy, kho xưởng, đất đai mặc dù thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng có thể là một khoản nợ của doanh nghiệp: tài sản giá trị 10 đồng nhưng trong đó nợ đã là 7,8 đồng, và tài sản ròng chỉ có 2,3 đồng hay một tỷ lệ khá nhỏ.
Trường hợp nguy hiểm hơn là các tài sản này không thuộc quyền sở hữu mà chỉ là tài sản đi thuê, có thể là thuê và trả phí thuê định kỳ hoặc là tài sản thuê tài chính (có thể sở hữu một phần). Nhìn qua bề ngoài thì có cảm giác tài sản của doanh nghiệp rất nhiều, nhưng thực ra tài sản thực và vốn chủ sở hữu thực không được như vậy.
Các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, việc kiểm soát các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm đầu tư cần được hoàn thiện sớm. Xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe cũng là một cách hiệu quả để phòng ngừa các rủi ro lừa đảo trong đầu tư.
|
Và nguy hiểm nhất là những tài sản trên giấy tờ, như quyền sở hữu bất động sản, các dự án, các hoạt động kinh doanh đang có. Nếu không thẩm tra kỹ càng thì phần lớn trong các trường hợp lừa đảo, những tài sản này là giả mạo hoặc thuộc quyền sở hữu của người khác. Với công nghệ photoshop và thậm chí AI tạo sinh ngày nay thì rất khó để phân biệt đâu là hình ảnh, tài liệu thật/giả.
Trường hợp uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, của đội ngũ cố vấn cũng cần thẩm tra vì hồ sơ, bằng cấp, kinh nghiệm cũng là những thứ có thể ngụy tạo hoặc thổi phồng. Trong thời đại Internet ngày nay, hoạt động của những người có uy tín đều có thể tìm kiếm được dễ dàng, vì họ phải minh bạch và công khai. Nếu thông tin về một người được cho là có uy tín tầm cỡ mà không tìm thấy được gì từ các công cụ tìm kiếm thì đây là một dấu hỏi rất lớn. Những người cố vấn thực sự có uy tín thì bản thân họ cũng phải thẩm tra nhất định doanh nghiệp hay dự án họ tham gia, vì đó cũng là cách bảo vệ uy tín của riêng họ.
Ngưỡng của rủi ro
Một nguyên tắc trong đầu tư được biết đến rộng rãi đó là “lợi nhuận cao đi cùng rủi ro cao, và ngược lại”. Bởi vì thị trường có tính hiệu quả, dù ở dạng mạnh hay yếu. Lấy ví dụ khi có một cơ hội đầu tư tốt, rủi ro thấp mà lợi nhuận cao thì rất khó để một ai đó giữ cho riêng mình được lâu. Khi có thêm một người biết thì số người biết sẽ tăng theo cấp số nhân hoặc thậm chí số mũ. Khi đó, lợi nhuận sẽ giảm dần và sẽ tương ứng với mức độ rủi ro.
Ở điểm cân bằng, mỗi loại hình đầu tư sẽ có một tỷ suất sinh lợi bình quân tương ứng với rủi ro, được biết đến là mức độ biến động giá (volatility) và hay được dùng làm điểm tham chiếu (benchmark). Chẳng hạn các công cụ tài chính nợ được coi là tài sản ít rủi ro hơn cổ phiếu, do đó tỷ suất sinh lợi sẽ phải thấp hơn. Giới đầu tư thường lấy lãi suất của trái phiếu chính phủ để làm lãi suất phi rủi ro (risk free rate), để từ đó tính lợi nhuận kỳ vọng của các tài sản khác.
Vì có mức trung bình của tỷ suất sinh lợi nên một tỷ suất sinh lợi nào đó vượt quá một khoảng nhất định thì nó sẽ trở nên bất thường. Trong tài chính, đơn vị để đo thường được dùng đó là độ lệch chuẩn (std.), với các mức độ như 1 std., 2 std., 3 std. Chẳng hạn như một chỉ số cổ phiếu có tỷ suất sinh lời trung bình là 15%/năm, mức độ rủi ro là 30%/năm thì ở mức 1 std. tỷ suất sinh lợi tối đa là 19,5%/năm; ở mức 2 std. tỷ suất sinh lợi tối đa là 24%/năm. Mà ở mức 2 std. trở đi thì xem là bất thường.
Trường hợp một khoản đầu tư được hứa hẹn lãi 5- 7%/tháng thì tính ra là 80-125%/năm theo lãi kép, chứ không đơn thuần là lấy lãi tháng rồi nhân lên với 12. Với mức lãi 80-125%/năm thì khó có khoản đầu tư nào có thể sánh kịp, chưa kể là kỳ vọng duy trì trong một thời gian dài.
Một yếu tố rủi ro khác là khả năng chia lợi nhuận theo các đơn vị thời gian ngắn hơn như theo ngày, theo tuần, theo tháng. Một hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường thì phải đợi kết thúc chu kỳ mới biết được lãi, lỗ bao nhiêu, và vì vậy tối thiểu phải tính bằng năm. Góp vốn đầu tư là khác với cho vay, như trường hợp trái phiếu là nhận lãi định kỳ. Người cho vay nhận lãi thì quan tâm đến khả năng trả lãi hơn là khả năng sinh lời. Cho nên những trường hợp góp vốn đầu tư mà trả lãi trước, trả lãi tính theo thời gian ngắn thì khả năng làm theo mô hình ponzi rất cao.
Cuối cùng, đầu tư luôn hàm chứa yếu tố rủi ro, đó là sự bất định trong tương lai. Không ai có thể dự báo chính xác thời tiết trong vài tuần tới huống gì tình hình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều tháng, nhiều năm. Vì vậy các khoản đầu tư luôn có khả năng bị mất vốn, và những lời cam kết rằng chắc chắn không bị mất tiền hoặc mất tiền sẽ được đền bù là có rất nhiều nghi vấn. Một khoản đầu tư không có rủi ro, tỷ suất sinh lời hấp dẫn thì tại sao ai đó có thể chia sẻ với nhiều người?
Vấn đề cá nhân, vấn đề xã hội
Những trường hợp lừa đảo trong đầu tư tài chính vẫn tồn tại và tiếp diễn vì bản tính của con người là có lòng tham và lòng tin. Để phòng ngừa thì không cách nào khác là bản thân mỗi nhà đầu tư phải nâng cao hiểu biết của mình, phải nhận diện được các loại rủi ro và ngưỡng có thể chấp nhận được của nó. Điều này cũng tương tự với niềm tin, vì cần có sự thẩm tra (due diligence) để xác thực.
Nhưng hệ lụy của các vụ lừa đảo có thể gây ra những bất ổn lớn trong xã hội, và do đó cần sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, việc kiểm soát các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm đầu tư cần được hoàn thiện sớm. Xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe cũng là một cách hiệu quả để phòng ngừa các rủi ro lừa đảo trong đầu tư.
TS. Võ Đình Trí