Thứ Bảy, 23/09/2023 14:00

Lĩnh vực tư nhân Campuchia kỳ vọng gì ở Chính phủ mới?

Ông Hun Manet chính thức nhậm chức Thủ tướng Campuchia từ ngày 22/08. Nội các Chính phủ mới của Campuchia còn có 10 Phó thủ tướng, 40 Bộ trưởng cao cấp và Bộ trưởng đứng đầu các bộ, ngành, lĩnh vực khác nhau.

Dưới sự lãnh đạo của bộ máy Chính phủ mới, các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước kỳ vọng điều gì ở họ?

Gần đây, ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia (CCC), tổ chức tư nhân lớn nhất đại diện cho lĩnh vực tư nhân Campuchia, cho rằng CCC kỳ vọng Chính phủ mới sẽ duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức cao.

Ông Heng cho biết: “Tôi tin rằng Chính phủ mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa thông qua việc thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hữu và tham gia vào nhiều hiệp định khác nữa”.

Ông Heng chỉ ra rằng Chính phủ mới nên tiếp tục thực hiện cả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA), Hiệp định thương mại tự do Campuchia-Hàn Quốc (CKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Campuchia-Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (CEPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ông Heng cũng cho rằng Chính phủ mới cần cải cách hệ thống hành chính công để thực thi hiệu quả Luật Đầu tư mới, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và Phụ lục Nghị định về thực hiện Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Heng cũng cho rằng Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cần đào tạo các quan chức địa phương liên quan đến việc thực hiện 2 khung pháp lý về đầu tư nói trên, nhất là các quan chức phụ trách các dự án đầu tư có giá trị từ 5 triệu USD trở xuống ở cấp tỉnh thành.

Về lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Raymond Sia của Hiệp hội Ngân hàng Campuchia (ABC), kỳ vọng Chính phủ mới và Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) sẽ duy trì sự ổn định và tính liên tục của quốc gia cũng như ngành ngân hàng vì đây là một trong những ngành chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vương quốc.

Vị Chủ tịch này nói: “Tôi tin rằng Chính phủ mới và Ngân hàng Trung ương sẽ có nhiều sáng kiến hơn để hỗ trợ ngành này. Sự ổn định và không gián đoạn cho người tiêu dùng là bắt buộc. Niềm tin của công chúng vào ngành ngân hàng là rất quan trọng”.

Chia sẻ trên trang Khmer Times, ông Anthony Galliano, Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý Đầu tư Campuchia, cho biết thách thức kinh tế lớn nhất của Campuchia chính là đa dạng hóa. Ông cho rằng, thời hậu Covid-19, các chuỗi cung ứng đang được cơ cấu lại, ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và đang có một chiến lược giảm thiểu rủi ro. Ông nói: “Đây là một cơ hội lớn để Campuchia phát huy sức mạnh và cũng để nâng cao năng lực sản xuất của mình”.

“Bốn ngành kinh tế trụ cột của Vương quốc, gồm may mặc, bất động sản và xây dựng, du lịch và nông nghiệp, cần được mở rộng. Sự mở rộng này đã diễn ra trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng chúng cần phải được thúc đẩy nhanh hơn”, ông Anthony nói.

Tuy nhiên, ông Anthony cũng bày tỏ lo ngại về sự phát triển chậm chạp của thị trường tài chính tại Vương Quốc. Vị Giám đốc này chỉ ra rằng các thị trường vốn chủ yếu là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Campuchia lại tập trung quá nhiều vào một số quốc gia để thu hút FDI, nhất là Trung Quốc.

Ông cũng kêu gọi việc áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của Vương quốc. Ông nói: “Campuchia đã được chứng minh là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng không nằm trong tầm ngắm của phần lớn thế giới. Sự kế nhiệm thành công của Chính phủ mang đến cơ hội tái định vị thương hiệu Campuchia nhằm giải quyết vấn đề đa dạng hóa và mở rộng đối tác đầu tư nước ngoài ngoài nền tảng thông thường”.

Trong khi đó, Tan Khee Meng, Chủ tịch Phòng Doanh nghiệp Malaysia tại Campuchia (MBCC), cho rằng Vương quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể trong 3 thập kỷ qua, được đánh dấu bằng những tiến triển đáng kể về cơ sở hạ tầng . Vị Chủ tịch này đề xuất mục tiêu tiếp theo của Chính phủ là nên mở rộng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ông Meng đề xuất Chính phủ mới sử dụng RCEP và các thỏa thuận khu vực khác để thúc đẩy sự phát triển của các ngành tại các SME ở các tỉnh kém phát triển của đất nước.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI

Các tin tức khác

>   Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Lào-Campuchia trong bối cảnh Kinh tế Số (20/09/2023)

>   Campuchia đối mặt nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu (05/09/2023)

>   Campuchia đặt mục tiêu đón tiếp 7 triệu du khách quốc tế vào năm 2026 (04/09/2023)

>   Campuchia đặt mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030 (24/08/2023)

>   Quốc hội Campuchia bầu Tiến sỹ Hun Manet làm Thủ tướng mới (22/08/2023)

>   Nhiều cơ hội đầu tư mở ra tại Campuchia (17/08/2023)

>   Chính phủ mới của Campuchia có 1 Thủ tướng, 10 Phó Thủ tướng (12/08/2023)

>   Xuất khẩu Campuchia hồi phục mạnh trong tháng 6 (07/08/2023)

>   Quốc vương Campuchia bổ nhiệm ông Hun Manet làm thủ tướng (07/08/2023)

>   Lạm phát của Lào liên tục giảm, nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực (01/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật