DVM: Tổng Giám đốc thế chấp sổ tiết kiệm để Công ty vay tiền, Chủ tịch muốn thoái bớt cổ phần
Trong bối cảnh CTCP Dược liệu Việt Nam (Vietmec, HNX: DVM) vừa thông qua hai khoản vay có giá trị lớn, ông Trần Bình Duyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đăng ký bán thêm 40 ngàn cp DVM sau khi đã bán thành công 30 ngàn cp trước đó không lâu.
Ông Duyên cho biết do mục đích cá nhân nên đăng ký bán 40 ngàn cp DVM theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 25/09 - 24/10/2023. Nếu thành công, ông Duyên sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 0.56% (tương ứng nắm giữ 200 ngàn cp) về 0.45% (tương ứng nắm giữ 160 ngàn cp). Hiện cổ phiếu DVM đang được giao dịch trong khoảng 14,100 đồng/cp, tạm tính với mức giá này, tổng giá trị cổ phiếu của ông Duyên là 564 triệu đồng.
Trước đó, ông Duyên cũng từng có động thái bán cp DVM khi đăng ký bán 50 ngàn cp này vào ngày 11/08 nhưng chỉ bán thành công 30 ngàn cp.
Ông Trần Bình Duyên sinh năm 1947, gắn bó cùng DVM từ năm 2015 với vị trí Tổng giám đốc. Năm 2018 ông được bầu vào thành viên HĐQT và kiêm chức vụ Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2021 đến nay, ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất.
Ông Duyên được biết đến là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành dược khi từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng tại Công ty Dược Sơn La, Công ty Dược liệu TW1, CTCP Mediplantex.
|
Động thái bán cổ phiếu của vị Chủ tịch này diễn ra sau khi HĐQT DVM vừa thông qua hai khoản vay có tổng hạn mức 550 tỷ đồng diễn ra cùng vào ngày 07/08.
Thứ nhất, HĐQT thông qua việc vay vốn, bảo lãnh, mở L/C của Công ty tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) hạn mức 450 tỷ đồng, mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tài sản bảo đảm bao gồm nhiều lô đất, tài sản khác của Công ty và nhiều lô đất, thẻ tiết kiệm tại BIDV của bên thứ ba, trong đó có ông Vũ Thành Trung - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVM và bà Đoàn Thị Thu Hoài – thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc tài chính DVM.
Thứ hai, HĐQT DVM thông qua tái cấp tín dụng từ ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) hạn mức 100 tỷ đồng, mục đích nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, L/C, cấp hạn mức thấu chi phục vụ hoạt động kinh doanh dược, thiết bị y tế và thực phẩm chức năng. Tài sản bảo đảm bao gồm ký quỹ, giấy tờ có giá tại VPBank, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng đầu ra với Công ty và các bất động sản, ô tô thuộc sở hữu của Công ty hoặc thành viên góp vốn chính hoặc người thân ruột thịt của thành viên góp vốn chính của Công ty.
Theo tìm hiểu, DVM là doanh nghiệp cơ tỷ lệ nợ vay luôn duy trì ở mức cao, tại thời điểm 30/06/2023, nợ vay đạt 671 tỷ đồng, chiếm đến hơn 46% tổng tài sản.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023 DVM ghi nhận doanh thu thuần gần 612 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng gần 29 tỷ đồng, giảm gần 4%. Thực hiện lần lượt gần 49% kế hoạch doanh thu và hơn 47% kế hoạch lợi nhuận.
Kết phiên 22/09, giá cổ phiếu DVM đạt 14,100 đồng/cp, tăng hơn 10% so với đầu năm 2023, thanh khoản trung bình gần 600 ngàn cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu DVM từ đầu năm 2023 đến nay |
|
Huy Khải
FILI
|