Cổ phiếu ngành nhựa bật tăng dù lợi nhuận doanh nghiệp giảm
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa tiếp tục có sự phân hóa trong nửa đầu năm 2023. Dù vậy, giá cổ phiếu vẫn tăng trưởng. Chỉ số cổ phiếu ngành nhựa sản xuất (VS-Plastics) đã tăng trên 35% từ đầu năm.
Hình minh họa
|
Doanh thu có sự phân hóa
Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu thuần của 22 doanh nghiệp nhựa trên sàn HOSE, HNX, UPCoM nửa đầu năm nay đạt gần 32 ngàn tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu không tính An Phát Holding (APH) - công ty mẹ của AAA, tổng doanh thu các doanh nghiệp nhựa đạt trên 24.5 ngàn tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Trong đó, top 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất đạt 22.6 ngàn tỷ đồng, giảm 6% và chiếm 92% tổng doanh thu ngành. 5 trong số 10 doanh nghiệp này có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ từ 3 - 90% gồm DNP Holding (DNP), Thuận Đức (TDP), Nhựa Việt Thành (VTZ), Rạng Đông Holding (RDP) và Tân Phú Việt Nam (TPP).
DNP có doanh thu bán niên trên 3,489 tỷ đồng, tăng 3%; lãi gộp 614 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 18%, tăng nhẹ so với mức 17% cùng kỳ. RDP và TDP có doanh thu lần lượt 1,357 tỷ đồng và 1,686 tỷ đồng, tương ứng tăng 8% và 16%. Biên lãi gộp của 2 doanh nghiệp cùng bằng 10%, nhưng TDP tăng từ mức 9% cùng kỳ năm trước còn TDP lại giảm từ mức 13% cùng kỳ. TPP và VTZ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất với 37% và 90%, mang về 1,686 tỷ đồng và 1,436 tỷ đồng, biên lãi gộp tương ứng 20% và 5%.
Nhóm có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ như Nhựa An Phát Xanh (AAA), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Nhựa Đông Á (DAG) và Bao bì Tân Tiến (TTP).
Thuộc nhóm sản xuất bao bì chuyên xuất khẩu, doanh thu của AAA nửa đầu năm 2023 đạt 6,408 tỷ đồng, giảm 26%. Nguyên nhân sụt giảm do giá hạt nhựa thấp hơn so với cùng kỳ, Công ty cắt giảm quy mô thương mại dẫn đến doanh thu thương mại hạt nhựa giảm. Trong khi đó, sản lượng bán bao bì duy trì ổn định và sản lượng bán hạt nhựa phụ gia và bột đá tăng 44%.
DAG cũng sụt giảm doanh thu. Công ty vẫn chưa có BCTC soát xét bán niên và đã bị HOSE nhắc nhở về việc chậm công bố. Theo BCTC tự lập, doanh thu hợp nhất đạt 959 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Lãi gộp Nhựa Đông Á chỉ còn gần 20 tỷ đồng, tức giảm 63% và biên lãi gộp chỉ còn khoảng 2%. Còn NTP có quy mô doanh thu nửa năm ở mức 2,516 tỷ đồng, giảm 10%. Dù vậy, biên lãi gộp của NTP vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước, ở mức 10%. Về con số tuyệt đối, lãi gộp của NTP đứng thứ hai toàn ngành - đạt 708 tỷ đồng, chỉ xếp sau BMP (1,127 tỷ đồng).
BMP là doanh nghiệp sáng nhất ngành trong 6 tháng đầu năm 2023. Dù doanh thu giảm 4%, về còn 2,776 tỷ đồng, nhưng lãi gộp Công ty tăng 59%, lên 1,127 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt đến 41%, tăng so với mức 24% cùng kỳ.
Các doanh nghiệp còn lại (11 doanh nghiệp, không tính APH) trong nhóm có doanh thu sụt giảm trung bình 10%. Tuy nhiên, biến động doanh thu của từng doanh nghiệp so với mức trung bình khá lớn. Đơn cử, Nhựa Đà Nẵng (DPC) có doanh thu 6 tháng trên 16 tỷ đồng, tăng 70%; trong khi đó, doanh thu Nhựa Việt Nam (VNP) giảm mạnh nhất, 78%, lùi về mức trên 36 tỷ đồng.
Từ lãi ròng kỷ lục cho đến lỗ kỷ lục
Lãi ròng ngành nhựa nửa đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ 12%, về còn 914 tỷ đồng; chủ yếu do doanh thu các doanh nghiệp lớn giảm, đồng thời chi phí lãi vay hiện hữu cũng tạo áp lực lên lợi nhuận. Trong đó, có doanh nghiệp vẫn duy trì được phong độ ấn tượng, song cũng có doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ chưa từng thấy.
Dù doanh thu giảm, áp lực chi phí lãi vay không lớn và doanh thu tài chính tăng mạnh đã giúp BMP lãi kỷ lục bán niên trên 575 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tính riêng quý 2, ông lớn ngành nhựa này tiếp tục phá kỷ lục của chính mình, đạt 295 tỷ đồng.
Lãi ròng 6 tháng của BMP từ 2009 |
|
Trong khi đó, lãi ròng 6 tháng của NTP giảm gần 25%, còn 246 tỷ đồng. Nguyên nhân do lãi từ công ty liên doanh ở quý 1 giảm so với mức tăng bất thường cùng kỳ (do thanh lý chứng khoán đầu tư) và doanh thu bán thành phẩm giảm trong quý 2. Ngoài ra, áp lực chi phí lãi vay khá lớn khi tăng hơn 80%, lên 56 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Lãi ròng 6 tháng của NTP từ năm 2009 |
|
Đáng chú ý nhất là DNP, lãi ròng bán biên gấp 22 lần cùng kỳ, đạt gần 52 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ năm 2017. Kết quả chủ yếu nhờ vào thoái vốn một công ty con và công ty liên kết trong ngành nước vào quý 2, DNP mang về 417 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 74%. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động đầu tư chiếm phần lớn với 313 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Lãi ròng 6 tháng của DNP từ 2009 |
|
TTP cũng có mức tăng trưởng lãi ròng ấn tượng, gần gấp 6 lần cùng kỳ, lên hơn 66 tỷ đồng, một phần nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Song song đó, doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên 22 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và trái phiếu trên 20 tỷ đồng. Mặt khác, TTP gần như không chịu chi phí lãi vay.
Bên cạnh một số doanh nghiệp lãi ròng tăng hay giảm so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp khác lỗ trong nửa đầu năm. DPC, VNP hay TPC lỗ lần lượt 2 tỷ đồng, 8 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là Nhựa Đông Á, chịu khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp với trên 124 tỷ đồng, do ảnh hưởng từ chi phí quản lý tăng đột biến gấp 7 lần cùng kỳ, lên 104 tỷ đồng, mà lớn nhất do trích dự phòng phải thu nợ khó đòi gần 88 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, DAG không phát sinh khoản này.
Lãi ròng 6 tháng của DAG từ năm 2010 |
|
Cổ phiếu ngành nhựa tăng trưởng ấn tượng
Trên thị trường chứng khoán, dù trái chiều về kết quả kinh doanh, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành nhựa có cùng xu hướng tăng từ đầu năm. Chỉ số ngành nhựa của Vietstock (VS-Plastics) khép lại tháng 8 tại 587.62 điểm, tăng trên 35% so với đầu năm và cao hơn so với mức trung bình của toàn thị trường (chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 20% so với đầu năm).
Hướng đi của các cổ phiếu ngành nhựa không cách biệt nhau nhiều, đồng thời đi khá sát với diễn biến của thị trường trong quý 1, phần lớn đều ở vùng âm (tức giảm so với đầu năm). Riêng cổ phiếu AAA vẫn giữ đà tăng mạnh từ đầu năm, trên 50%, dù đã điều chỉnh khoảng 13% từ mức đỉnh, khép lại tháng 8 ở 10,800 đồng/cp.
Cũng từ cuối quý 1, các cổ phiếu bắt đầu có lối riêng, nhưng xu hướng chung vẫn tăng. Đơn cử, bộ đôi BMP và DAG cùng bật tăng mạnh khỏi xu hướng chung của ngành. Đến khi chạm mức tăng trưởng 50%, mỗi cổ phiếu lại đi theo hướng khác nhau. Tính tới nay, BMP là cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất ngành - trên 52%, dừng ở 88,100 đồng/cp. Trong khi đó, DAG trở thành cổ phiếu có mức tăng thấp nhất, dừng ở 4,520 đồng/cp, giảm 25% từ đỉnh cuối tháng 6. Còn RDP từ cuối quý 1 vẫn trong vùng âm và chỉ tăng trở lại từ cuối quý 2. Kết phiên 31/08, giá RDP đóng cửa tại 8,810 đồng/cp, tăng khoảng 31%, thấp hơn mức tăng chung của ngành. NTP cũng tăng thấp hơn ngành từ đầu năm với 20%, đạt 38,400 đồng/cp vào cuối tháng 8.
Giá cổ phiếu doanh nghiệp ngành nhựa
Nguồn: VietstockFinance. Tính tới 31/08/2023
|
Duy Khánh
FILI
|