VN-Index vào top 4 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 7
Với mức tăng hơn 9%, VN-Index đã lọt vào top chỉ số tăng mạnh nhất trên thế giới trong tháng 7/2023.
Chỉ số VN-Index vừa khép lại một tháng đầy hứng khởi với mức tăng 9.17% và dừng ở gần mốc 1,223 điểm. Với mức tăng này, chỉ số chuẩn của chứng khoán Việt Nam đứng thứ 4 trong top thị trường tăng mạnh nhất thế giới.
Còn HNX-Index tăng 5.64% lên mức 240 điểm. Cùng với tâm lý hưng khởi, dòng tiền cũng ồ ạt vào thị trường, với thanh khoản trung bình của hai sàn vượt 21,000 ngàn tỷ đồng trong tháng 7/2023.
Sự thăng hoa của chứng khoán Việt được đặt trong bối cảnh chứng khoán thế giới khởi sắc và các chính sách ở đất nước hình chữ S dần dần được nới lỏng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tổ chức cơ cấu và gia hạn nợ cùng nhiều chính sách khác. Trong khi đó, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công để tạo “đầu kéo” cho nền kinh tế, đồng thời tung ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực trái phiếu, bất động sản và tiêu dùng.
Các thị trường tăng và giảm mạnh nhất trong tháng 7
|
Đứng đầu về mức tăng trong tháng 7/2023 là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ với mức tăng hơn 25%. Kế đó là Pakistan và Chile, với mức tăng tương ứng 14.2% và 10.5%. Nga và Ba Lan đứng vị trí thứ 5 và 6.
Đáng chú ý, chỉ có 4 thị trường giảm điểm trong 1 tháng qua, với chỉ số chuẩn của Thụy Điển giảm 2.55%, Phần Lan, Đan Mạch, Ai Cập và Bồ Đào Nha giảm chưa tới 1%.
Tiền rẻ đang vào thị trường, VN-Index có thể cán mốc 1,300?
Bình luận về thị trường chứng khoán (TTCK), ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam cho biết, thị trường hoạt động dựa trên kỳ vọng, nhà đầu tư đã thấy được sự hồi phục và tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, cộng thêm mặt bằng lãi suất huy động thấp và các kênh đầu tư khác đang khó để tham gia, dòng tiền rẻ sẽ tập trung vào TTCK.
Trong quý 3, VN-Index có thể tiệm cận quanh 1,300 điểm; còn trong quý 4 phải dựa vào những mẫu hình và đường đi của chỉ số trong quý 3 mới có thể xác định được vùng tiếp theo mà chỉ số có thể hướng đến.
Vị chuyên gia đến từ KIS khuyên nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và nên nắm giữ những nhóm cổ phiếu dẫn dắt, có câu chuyện riêng. Khi thị trường phục hồi, nhóm chứng khoán sẽ tốt và với câu chuyện về đầu tư công thì có nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng.
Nhìn nhận về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Hiếu cho biết, mức tăng trưởng hiện nay chỉ không tốt so với kỳ vọng và đang có dấu hiệu được cải thiện, biểu hiện qua những dữ liệu vĩ mô tích cực như doanh số bán lẻ đã tăng trưởng ở mức cao, dòng vốn FDI bắt đầu được cải thiện. Mặt khác, tăng trưởng GDP quý 1 là 3.32% và quý 2 ở mức là 4.14%, cho thấy nền kinh tế đã qua giai đoạn tạo đáy và đang dần tốt lên.
Ông Hiếu cho rằng vẫn có thể còn một đợt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành nữa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá.
Giai đoạn vừa qua lãi suất Fed liên tục tăng trong khi lãi suất Việt Nam liên tục giảm đã tạo ra một “gap” khá lớn, làm dòng vốn ngoại có xu hướng chảy ra khỏi Việt Nam (outflow). Ông Hiếu lưu ý nếu outflow này mạnh, sẽ làm tỷ giá biến động, NHNN khó giảm lãi suất điều hành.
Trở lại thời điểm hiện tại, sau một số đợt giảm lãi suất trước, outflow của nhà đầu tư ngoại không quá mạnh, tạo dư địa tốt cho NHNN giữ lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, do tỷ giá bắt đầu có xu hướng tăng dù không quá mạnh, nên NHNN có thể sẽ vẫn còn chờ động thái tiếp theo của dòng vốn khối ngoại, nếu dòng này không chảy ra khỏi Việt Nam nhiều trong các đợt tăng lãi suất của Fed, thì NHNN có thể sẽ có thêm 1 đợt giảm lãi suất nữa.
Ông Hiếu nhận định, sau đợt tăng lãi suất của Fed vào tháng 7, NHNN quan sát biến động của tỷ giá, mới có thể đưa ra quyết định. Còn nếu Fed nâng đến 2 lần lãi suất nữa từ đây đến cuối năm, câu chuyện giảm lãi suất sẽ khó hơn rất nhiều.
Vũ Hạo
FILI
|