TP HCM nỗ lực bình ổn thị trường gạo Ngày 9-8, tại các cửa hàng gạo ở khu vực đường Trần Chánh Chiếu (quận 5), chợ Nhị Thiên Đường (quận 8), giá một số loại gạo tiếp tục tăng 500-1.000 đồng/kg so với tuần trước.
Ông Quang - chủ cửa hàng gạo Năm Quang trên Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh - cho biết hầu hết các loại gạo đều đã tăng giá so với đầu tháng 6, có loại tăng đến 2.000-4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn đang bán giá cũ đối với những khách hàng quen, mua số lượng lớn (bao 25 kg trở lên). Các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, cung ứng gạo cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu xác nhận kể từ khi Ấn Độ công bố dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (ngày 20-7) đến nay, giá một số loại gạo đã tăng giá ít nhất 10%-15%. Nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường cũng tăng so với trước, mặc dù lượng gạo lưu kho DN, nhà phân phối, đại lý, cửa hàng… luôn đầy ắp. Kênh bán lẻ hiện đại cũng đang ghi nhận lượng khách hàng mua gạo gia tăng kể từ đầu tháng 8 đến nay. Đơn cử, doanh thu bán gạo tại hệ thống siêu thị MM Mega Market (MM) tăng đến 40% trong tuần đầu tiên của tháng 8. Lý do, theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM, do siêu thị vẫn giữ ổn định giá gạo. Những khách hàng sỉ (nhà hàng, căng tin) trước đây mua gạo ở đại lý, cửa hàng, nay chuyển qua mua ở siêu thị để có giá rẻ hơn. "MM có 5 nhà cung cấp gạo lớn nhưng 3 đơn vị vừa đề xuất tăng giá 5%-20%, áp dụng từ tuần thứ 3 của tháng 8" - ông Khôi thông tin. Theo ông Khôi, khả năng siêu thị sẽ đồng ý tăng giá nhưng sẽ tính toán tăng nguồn cung gạo của các DN bình ổn thị trường để góp phần ổn định mặt bằng giá gạo và hỗ trợ người tiêu dùng. Ông Lê Hữu Tình, Quản lý cấp cao Marketing Thiso Retail, siêu thị Emart, cho biết Emart đã chốt các chương trình khuyến mãi với nhà cung cấp ngay trước thời điểm có thông tin gạo Ấn Độ cấm xuất khẩu, thời hạn kéo dài đến cuối tháng 1-2024 nên chưa điều chỉnh giá bán. Nhà cung cấp cũng cam kết lượng hàng. "Thời gian tới giá bán có thể biến động nhưng do đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên chúng tôi sẽ bình ổn được giá thị trường" - ông Tình nói thêm. Còn tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food.... của Saigon Co.op, mặt hàng gạo chưa có biến động và giá cả lẫn lượng tiêu thụ. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành Chuỗi Co.opmart, khẳng định trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, Saigon Co.op và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9-8, ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP HCM, cho biết giá gạo trên thị trường có tăng nhưng các DN bình ổn thị trường chưa có động thái điều chỉnh giá. Dự kiến trong tuần sau, sở sẽ làm việc với các DN bình ổn thị trường mặt hàng này để nắm tình hình, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm công tác thu mua, dự trữ và cung ứng gạo cho thị trường TP HCM. "Từ nay đến cuối năm, ngành công thương thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định" - ông Ngô Hồng Y cam kết.
Thanh Nhân Người lao động
|