Sẽ đấu thầu xây dựng 26 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi. Dự kiến, thời gian chọn nhà đầu tư từ 3-5 tháng, thời gian nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng khoảng 9-12 tháng.
Phối cảnh trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Ảnh: TTXVN |
Trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (CT.01) từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến tỉnh Cà Mau, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay đã có 7 trạm đã được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần, 3 trạm đang đầu tư và 26 trạm chưa đầu tư.
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3-5 tháng.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đưa ra thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất
Trước đó, 7 trạm dừng nghỉ đã được đầu tư và đưa vào khai thác trên các tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (2 trạm), Cao Bồ – Mai Sơn (2 trạm), La Sơn – Hòa Liên (1 trạm), TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (1 trạm) và TPHCM – Trung Lương (1 trạm). Ba trạm dừng nghỉ đang đầu tư trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn và Lạng Sơn – Bắc Giang.
Trạm dừng nghỉ có diện tích lớn nhất là trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông là đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng (chưa đầu tư, diện tích 13,7 ha), các trạm còn lại có diện tích trung bình khoảng 5ha/bên. Khoảng cách trung bình bố trí giữa hai trạm dừng nghỉ là khoảng 50 km.
Đối với các trạm dừng nghỉ đang đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trước mắt giữ nguyên hiện trạng. Trong quá trình khai thác, trường hợp phát sinh cần điều chỉnh quy mô trạm dừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý đối với diện tích đất trạm dừng nghỉ đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo các quyết định trước đây sẽ tiếp tục được sử dụng để đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ (hoặc điểm dừng xe) theo nội dung phê duyệt tại quyết định này.
N.Tân TBKTSG
|