Thứ Năm, 24/08/2023 15:46

Hồ sơ niêm yết Nasdaq của VNZ hé lộ khoản lỗ 3 năm liên tiếp cùng dàn cổ đông ngoại hùng hậu

Hồ sơ theo mẫu F1 do VNG Limited – cổ đông lớn nhất của CTCP VNG (UPCoM: VNZ) - trình Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã hé lộ một số chi tiết bất ngờ tại “kỳ lân công nghệ” Việt Nam.

Như đã đưa tin, VNG Limited dự kiến IPO cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Quan sát hồ sơ F1 gửi đến SEC, có một số chi tiết bất ngờ.

Lỗ 3 năm liên tiếp nhưng lãi ở Việt Nam?

Một chi tiết đáng chú ý là hồ sơ có công bố tình hình tài chính của VNZ trong 3 năm từ 2020 - 2022, và giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023. Trong toàn bộ giai đoạn trên, VNZ đều thua lỗ, cụ thể lỗ hơn 650 tỷ đồng vào năm 2020, 732 tỷ đồng năm 2021, hơn 2 ngàn tỷ đồng vào năm 2022, và gần 652 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo hồ sơ, VNZ (được đề cập trong báo cáo với tên VN OpCo) chịu lỗ liên tiếp kể từ năm 2020
Nguồn: Hồ sơ niêm yết gửi SEC của VNG Limited

Tuy nhiên theo BCTC kiểm toán năm 2020 và 2021 công bố tại Việt Nam, VNZ có lợi nhuận. Cụ thể năm 2020, VNZ lãi ròng 462 tỷ đồng; năm 2021 lãi ròng gần 413 tỷ đồng.

Khoản lỗ năm 2022 cũng tăng lên trên BCTC gửi đến SEC. Cụ thể trên BCTC gửi SEC, VNZ lỗ sau thuế hơn 2 ngàn tỷ đồng, trong khi BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 chỉ ghi nhận lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Tương tự với BCTC bán niên 2023, VNZ lãi ròng hơn 100 tỷ đồng, trong khi lỗ gần 652 tỷ đồng trên BCTC gửi đến SEC.

Hiện chưa rõ tại sao có những con số chênh lệch trên, dù có giả thuyết cho rằng nguyên nhân có thể vì sự khác biệt về chuẩn mực kế toán (chuẩn IFRS so với chuẩn VAS của Việt Nam).

Cơ cấu cổ đông có sự xuất hiện của Tencent, Ant Group, Temasek

Dù đang nắm 49% cổ phần của VNZ, nhưng dựa trên nhiều yếu tố như sự phân tán cổ phiếu và lịch sử quyền biểu quyết đối với số cổ phần còn lại tại VNZ, VNG Limited khẳng định có toàn bộ quyền kiểm soát về mặt kinh tế đối với “kỳ lân công nghệ” trước thời điểm bắt đầu IPO.

Đồng thời, VNG Limited cũng đã có thỏa thuận nắm quyền kiểm soát với CTCP Công nghệ BigV – cũng là một cổ đông lớn của VNZ - sau khi hoàn tất thương vụ IPO. Được biết hiện tại, BigV đang nắm 21.3% cổ phần đang lưu hành của VNZ. Vậy nên nếu thương vụ thành công, VNG Limited quả thực chắc chắn nắm quyền kiểm soát đối với VNZ.

Vậy còn cơ cấu cổ đông của VNG Limited thì sao?

Cổ phiếu của VNG Limited được chia thành hai loại (class) A và B. Trong đó, mỗi cổ phiếu loại A tương đương với một quyền biểu quyết, còn mỗi cổ phiếu loại B tương đương 10 quyền biểu quyết. Nói cách khác, “quyền lực” của cổ phiếu loại B gấp 10 lần loại A. Tuy nhiên, cổ phiếu loại A có lợi ích về kinh tế, còn loại B thì không.

Cơ cấu cổ đông và quyền biểu quyết dự kiến sau IPO của VNG Limited
Nguồn: SEC

Theo hồ sơ tiết lộ, sau khi kết thúc đợt chào bán, hai nhà sáng lập VNZ là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải vẫn sẽ nắm kiểm soát tại VNG Limited với 51% quyền biểu quyết. Trong đó, ông Minh nắm 12.6 triệu cp loại B, tương đương 45% quyền biểu quyết; còn ông Khải nắm 1.68 triệu cp, tương đương 6% quyền biểu quyết.

Ông Lê Hồng Minh (trái) và ông Vương Quang Khải

Đối với cổ phần loại A, cơ cấu cổ đông của VNG Limited có sự xuất hiện của những ông lớn nước ngoài. Đầu tiên là Tencent - gã khổng lồ trò chơi trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc, là cổ đông ngoại lớn nhất của VNG Limited khi nắm giữ 65.2 triệu cp, tương ứng 23.2% quyền biểu quyết. Số cổ phần này được nắm giữ thông qua Tenacious Bulldog Holdings Limited (43 triệu cp) và Prosperous Prince Enterprises Limited (14.5 triệu cp). Ngoài ra, Tencent dự kiến có thêm 7.5 triệu cp nữa sau khi kết thúc đợt chào bán.

Cả hai doanh nghiệp trên có trụ sở tại “thiên đường thuế” British Virgin Islands (quần đảo Virgin) của Anh, và đều do Tencent Holdings kiểm soát.

Đứng thứ hai là GIC với 15.2 triệu cp, tương đương 5.4% quyền biểu quyết. Số cổ phiếu này được sở hữu thông qua Gamvest Pte. Ltd - doanh nghiệp thành lập năm 2007 có trụ sở tại Singapore.

Seletar Investments Pte Ltd., nắm hơn 9.4 triệu cp, tương đương 3.4% quyền biểu quyết. Seletar là công ty con của quỹ Temasek Capital (Private) Limited – doanh nghiệp trực thuộc cơ quan đầu tư chính phủ Temasek Holdings của Singapore.

Cuối cùng là Ant Group – tập đoàn công nghệ của Trung Quốc từng thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma. Ant Group nắm gần 7.8 triệu cp (tương đương 2.8% quyền biểu quyết) thông qua Ant International Technologies (Hong Kong) Holding Limited.

Cấu trúc sở hữu quyền biểu quyết tại VNG Limited

Nguồn: SEC

*Chú thích: ListCo: VNG Limited; HoldCo: CTCP Công nghệ BigV; OpCo: VNZ 

Tại Việt Nam, VNZ được biết đến là "kỳ lân công nghệ" - thuật ngữ dành cho các công ty có định giá trên 1 tỷ USD. Thành lập năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) cùng vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng, VNZ khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực, đồng thời mở rộng ra nhiều dịch vụ nền tảng khác như chia sẻ nhạc, phát video, nhắn tin, cổng tin tức, thanh toán di động...

Doanh nghiệp có 16 lần tăng vốn qua 18 năm, chủ yếu là thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tăng vốn qua phát hành cổ phiếu ESOP.

Kết phiên chiều ngày 24/08, giá cổ phiếu VNZ tăng hơn 12% so với hôm trước, đạt mức 1.24 triệu đồng/cp, và vẫn tiếp tục giữ ngôi vương thị giá trên bản đồ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Diễn biến giá cổ phiếu VNZ từ đầu năm 2023

Hải Âu

FILI

Các tin tức khác

>   VNL: Thông báo về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (24/08/2023)

>   CVPB2311: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVPB2312: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVRE2311: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVRE2313: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVRE2312: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVPB2310: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVHM2311: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVNM2308: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

>   CVHM2310: Quyết định chấp thuận niêm yết chứng quyền có bảo đảm (24/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật