Dư nợ margin hồi phục, các công ty chứng khoán đang nới rộng dư địa cho vay?
Thị trường chứng khoán (TTCK) trở nên sôi động hơn trong quý 2, tâm lý các nhà đầu tư được cải thiện, qua đó mạnh dạn sử dụng đòn bẩy trên thị trường. Các công ty chứng khoán (CTCK) cũng tăng huy động vốn nhằm mở rộng dư địa cho hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động cho vay ký quỹ.
Dư nợ cho vay trên thị trường vượt 150 ngàn tỷ
Mức độ sử dụng đòn bẩy có mối tương quan cao với diễn biến của TTCK, thị trường trở nên tích cực có thể thôi thúc nhà đầu tư vay margin để tăng sức mua, nhằm tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn. Điều này cũng sẽ có tác động ngược lại, giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường.
Xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số VN-Index được khởi động từ cuối tháng 4/2023 và xuyên thủng mốc tâm lý 1,200 điểm trong những ngày cuối tháng 7, khép lại ở mức 1,222.9 điểm, tăng hơn 9% so với tháng trước và tăng 21% so với đầu năm. Song song đó, giá trị giao dịch trên thị trường cũng tăng lên rõ rệt, giá trị giao dịch trung bình của 21 phiên trong tháng 7 gần 18.4 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với tháng trước.
Dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) tại các CTCK đạt trên 150 ngàn tỷ cuối quý 2, tức tăng thêm hơn 25 ngàn tỷ so với cuối quý 1 và tăng hơn 28 ngàn tỷ so với đầu năm. Tại cuối quý 2, dư nợ cho vay tại top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất HOSE (chiếm 69% thị phần) ở mức 89 ngàn tỷ, tức chiếm khoảng 56% toàn thị trường.
Các CTCK cũng ghi nhận nguồn thu tăng mạnh từ hoạt động này. Xu hướng giảm của lãi cho vay và phải thu bắt đầu từ quý 2/2022 đã bị phá vỡ với mức 4,045 tỷ đồng vào quý 2/2023, tương đương tăng hơn 14% so với quý trước. Lãi từ cho vay và phải thu của top 10 CTCK lớn nhất thị trường chiếm khoảng 60%, tương ứng 2,426 tỷ đồng.
* Thị trường cho vay margin “ấm” trở lại?
Đẩy mạnh huy động vốn
Trong bối cảnh đó, nhiều CTCK đã có kế hoạch tăng vốn nhằm phục vụ cho các nhu cầu kinh doanh, có thể các CTCK đang kỳ vọng thị trường sẽ còn tăng vay margin, do đó, các CTCK cần mở rộng dư địa để đáp ứng nhu cầu đó, cũng như phù hợp với hạn mức cho vay ký quỹ theo quy định.
Chẳng hạn mới đây vào đầu tháng 8, CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND) cho biết sẽ chào bán gần 244 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20% và phát hơn gần 61 triệu cp để trả cổ tức tỷ lệ 5%. Dự kiến vốn điều lệ tăng từ 12,178 tỷ lên gần 15,223 tỷ đồng, trong đó 40% số tiền thu được sẽ dùng cho hoạt động cho vay ký quỹ.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) cũng đang chuẩn bị chào bán 100 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua, với giá chào bán là 10,000 đồng/cp. Nếu thành công, vốn điều lệ của ORS sẽ tăng thêm 1,000 tỷ đồng lên 3,000 tỷ đồng, số tiền thu được sẽ dùng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ, hoạt động đầu tư và cơ cấu nợ của Công ty. Đây là một trong hai phương án phát hành/chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn lên 4,000 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Tương tự, HĐQT CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 57 triệu cp (gần 46 triệu cp phát hành trả cổ tức – tỷ lệ 100:2 và hơn 11 triệu cp phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu – tỷ lệ 100:3), vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 3,806 tỷ đồng lên 4,377 tỷ đồng.
HĐQT CTCP Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI) mới đây đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ mức 1,878 tỷ đồng lên gần 2,028 tỷ đồng, sau khi phát hành mới 15 triệu cp thông qua việc chia cổ tức (gần 9.4 triệu cp, tỷ lệ 5%) và thưởng cổ phiếu (5.6 triệu cp, tỷ lệ 3%).
Ngoài việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu, một số CTCK cũng tăng huy động nợ vay từ các tổ chức tín dụng. Đơn cử, CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC, HOSE: HCM) hồi tháng 6 vừa được 3 ngân hàng (MSB, Vietinbank và Vietcombank) phê duyệt tổng hạn mức tín dụng 11,000 tỷ đồng; trước đó tháng 5, HSC cũng được phê duyệt hạn mức tín dụng 1,800 tỷ đồng từ VIB.
Cuối tháng 6, một ông lớn khác là CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) cũng được phê duyệt 16,000 tỷ đồng hạn mức tín dụng từ Vietinbank và đến đầu tháng 8 Hội đồng đầu tư của SSI cũng đã thông qua hạn mức vay vốn 10,000 tỷ đồng từ Vietcombank.
Cũng vào cuối tháng 6, VND công bố quyết định về việc vay vốn từ Vietcombank với tổng giới hạn tín dụng 10,000 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
TTCK trong nửa cuối năm 2023 vẫn được các chuyên gia đánh giá lạc quan. Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam, thị trường hoạt động dựa trên kỳ vọng, nhà đầu tư đã thấy được sự hồi phục và tăng trưởng tốt của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, cộng thêm mặt bằng lãi suất huy động thấp và các kênh đầu tư khác đang khó để tham gia, dòng tiền rẻ sẽ tập trung vào TTCK.
Còn ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mục tiêu gần nhất mà VN-Index có thể đạt được trong năm nay trước tiên có thể là ngưỡng cản tâm lý 1,200 điểm và có thể trong vùng 1,260-1,265 điểm trong 6 tháng cuối năm. Hiện nay, việc dòng tiền đang quay trở lại, cùng với việc mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp cũng là điều kiện khiến dòng tiền tiết kiệm có thể quay trở lại kênh chứng khoán và đạt mức điểm cao hơn là 1,300 điểm. sau đó quay về 1,260 - 1,265 điểm.
Duy Khánh
FILI
|