Doanh nghiệp từng phát hành trái phiếu với lãi suất kỷ lục 20%/năm giờ kinh doanh ra sao?
CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính.
Theo thông tin công bố lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Hồng Hoàng ghi nhận lãi sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2023 hơn 958 tỷ đồng, cao gấp 2.4 lần cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 111%.
Nguồn: HNX
|
Với kết quả lợi nhuận khủng nửa đầu năm, vốn chủ sở hữu theo đó từ mức âm hơn 95 tỷ đồng vào cuối năm 2022 chuyển mình tăng lên hơn 863 tỷ đồng tính đến 30/06/2023.
Nguồn: HNX
|
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng chuyển từ âm 12.3 lần vào cuối năm 2022 sang dương 1.6 lần tại ngày 30/06/2023, tương ứng với nợ phải trả khoảng hơn 1,381 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022.
Nguồn: HNX
|
Bên cạnh đó, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng chuyển từ âm 11.4 lần sang dương 1.3 lần, tương ứng với dư nợ trái phiếu gần 1,084 tỷ đồng.
Nguồn: HNX
|
Trong năm 2022, Công ty đã thanh toán 431 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu, còn nửa đầu năm nay chưa thanh toán khoản lãi trái phiếu nào.
Được biết, vào cuối tháng 10/2019, Hồng Hoàng với vốn điều lệ chỉ khoảng 5 tỷ đồng, từng gây xôn xao thị trường khi phát hành 14 triệu trái phiếu kỳ hạn 5 năm, trị giá hơn 1,400 tỷ đồng cho nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất kỷ lục lên tới 20%/năm. Trước đó, kỷ lục về lãi suất trái phiếu là 14.5%/năm, thuộc về một doanh nghiệp bất động sản. Tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu này là hơn 60.77 triệu cổ phần phổ thông của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB).
Thời điểm ấy, Hồng Hoàng chỉ mới thành lập được khoảng 3 năm với số vốn điều lệ đăng ký vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Vậy nên, việc Công ty huy động vốn thông qua trái phiếu lên tới 1.4 ngàn tỷ đồng với lãi suất kỷ lục như vậy là điều gây bất ngờ, bởi mỗi năm riêng lãi vay phải trả đã lên tới 280 tỷ đồng.
Bên cạnh ồn ào về trái phiếu, Hồng Hoàng còn được chú ý bởi, chỉ ít ngày sau khi thương vụ phát hành trái phiếu, tháng 11/2019, Công ty thế chấp hơn 60.77 triệu cp ACB tại Saigon Asia Credit Limited có trụ sở tại đảo Cayman (một trong những địa điểm được mệnh danh là “thiên đường thuế” trên thế giới). Nhiều người đặt ra nghi vấn Hồng Hoàng đã dùng số tiền huy động được để mua cổ phiếu ACB, rồi thế chấp số cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo. Việc đơn vị tư vấn và lưu ký là ACBS (Công ty chứng khoán ACB) - công ty con của ACB – cũng khiến câu chuyện trở nên mù mờ hơn.
Sau đó, Công ty còn bổ sung tài sản đảm bảo là toàn bộ số dư, tất cả khoản tiền có trong tài ngân hàng ACB - Chi nhánh TPHCM. Đến tháng 1/2022, Hồng Hoàng tiếp tục bổ sung 10.96 triệu cp ACB làm tài sản đảm bảo tại Saigon Asia Credit Limited – là cổ tức nhận được từ số cổ phiếu dùng để thế chấp trước đó.
Về nguồn gốc của hơn 60.77 triệu cổ phiếu ACB được Hồng Hoàng mang ra thế chấp, nhiều khả năng có liên quan đến 4 giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB vào ngày 30/10/2019 tại mức giá 23,800 đồng với đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 1,446 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 30/10/2019, ACB thông báo thực hiện thành công giao dịch bán hơn 35.2 triệu cổ phiếu quỹ theo hình thức thỏa thuận với giá 23,800 đồng/cp, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 838 tỷ đồng.
Kể từ sau lô trái phiếu của Hồng Hoàng, ACB đã thực hiệnba đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, lần lượt vào tháng 11/2020 (tỷ lệ 30%), tháng 6/2021 (tỷ lệ 25%) và tháng 7/2022 (tỷ lệ 25%). Trong trường hợp Hồng Hoàng chưa bán bất kỳ cổ phiếu ACB nào, lượng cổ phiếu ACB mà doanh nghiệp này nắm giữ có thể đã tăng lên mức 123.4 triệu cổ phiếu, tương đương 3.7% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Theo thông tin từ HNX, tháng 07/2022, công ty đã mua lại trước hạn gần 319 tỷ đồng, giảm dư nợ trái phiếu xuống còn 1,083 tỷ đồng. Công ty hiện do ông Lê An làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngoài Hồng Hoàng, ông An còn đứng tên một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Lê An Minh, Công ty TNHH Hùng Việt Và KRDF03, CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan.
Khang Di
FILI
|