Thứ Hai, 28/08/2023 13:56

Doanh nghiệp logistics không dễ quay lại thời đỉnh cao

Các doanh nghiệp ngành logistics đã bị kéo trở lại “mặt đất” sau giai đoạn thăng hoa cùng giá cước và sản lượng vận chuyển tăng cao như năm 2021. Giờ đây, thị trường vận tải biển khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm sâu cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Cục Hải Quan báo cáo về 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362.7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ; trong đó, hàng container đạt 11.8 triệu Teus, giảm 8%.

Trước những biến động thị trường, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có sự chênh lệch trái chiều. Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong số 28 doanh nghiệp logistics trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố BCTC quý 2/2023, có 12 doanh nghiệp lãi tăng, 11 doanh nghiệp lãi giảm, 3 doanh nghiệp chuyển lãi và 2 doanh nghiệp chuyển lỗ.

Các doanh nghiệp logistics được chia thành 3 nhóm chính, gồm: khai thác cảng, hỗ trợ vận tải và kho bãi, vận tải đường thủy.

Sắc đỏ bao trùm nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi

Doanh thu quý 2/2023 của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi đồng loạt giảm so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận ròng giảm đáng kể, do sản lượng hàng hóa giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao.

Kết quả kinh doanh quý 2 của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC) là đơn vị hiếm hoi tăng trưởng về doanh thu (tăng 4%) nhưng lợi nhuận ròng giảm tới 79% so với cùng kỳ, chỉ còn 20 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lợi nhuận theo quý thấp nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết; nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính (phần lớn là chi phí lãi vay ngân hàng) tăng đột biến khi VSC tăng vay nợ gấp đôi đầu năm để phục vụ việc mua Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Ở chiều ngược lại, nhờ thương vụ bán Cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept (HOSE: GMD) thu về khoản lãi thoái vốn hơn 1,884 tỷ đồng và ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 2. Do đó, dù doanh thu thụt lùi, lãi ròng của GMD đạt hơn 1,646 tỷ đồng, gấp 5.7 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử Công ty.

Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận, lần lượt 1% và 3% so với cùng kỳ, đạt 375 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.

Kém may mắn nhất nhóm là Transimex (HOSE: TMS) khi chứng kiến lợi nhuận ròng “bốc hơi” tới 85% so với cùng kỳ, xuống 26 tỷ đồng, mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Công ty kể từ năm 2014.

Lợi nhuận ròng theo quý giai đoạn 2014-2023 của TMS
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Những cái tên khác cũng sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 2 là Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI), Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH), Đại lý Hàng hải Việt Nam (HNX: VSA) và ICD Tân Cảng - Long Bình (HOSE: ILB).

Trong đó, SFIHAH có cùng mức giảm 60% về lợi nhuận, đạt 28 tỷ đồng và gần 97 tỷ đồng. Đây cũng là quý có mức lãi thấp nhất của HAH kể từ quý 4/2021. Cả 2 doanh nghiệp đều giải trình rằng lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh và các chi phí tăng, dẫn đến kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Lãi ròng hàng quý giai đoạn 2021-2023 của HAH
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Chiều tăng chiếm ưu thế ở nhóm khai thác cảng

Đà tăng trưởng về lợi nhuận vẫn thắng thế ở nhóm khai thác cảng với 4/7 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 2/2023. Nổi bật trong nhóm là Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (Maserco, HNX: MAC) lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, gấp gần 19 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận quý cao nhất lịch sử của Công ty. Kết quả chủ yếu do Công ty giảm giá vốn hàng bán và lãi từ đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng tài chính.

Kết quả kinh doanh quý 2 của nhóm khai thác cảng
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều giảm, Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP) là đơn vị dẫn đầu khi chỉ thu về hơn 5 tỷ đồng lãi ròng, giảm 35% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu.

2 doanh nghiệp trong nhóm này lợi nhuận giảm là Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP), Cảng Rau Quả (HNX: VGP), lần lượt giảm 13% và 2%, xuống còn 11 tỷ đồng và hơn 7 tỷ đồng.

Nhóm vận tải đường thủy xuất hiện tăng - giảm 3 con số

Xét về mức độ tăng trưởng lợi nhuận, Vận tải Xăng dầu Đường thủy Petrolimex (Pjtaco, HOSE: PJT) và Vận tải Xăng dầu Vitaco (Vitaco, HOSE: VTO) dẫn đầu cả nhóm khi đạt tăng trưởng 3 con số, lần lượt tăng 416% và 263% so với cùng kỳ, cùng thu về trên 9 tỷ đồng lãi ròng.

Kết quả kinh doanh quý 2 của nhóm vận tải đường thủy
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) lãi giảm 3 con số ở mức xấp xỉ 100%, về còn 1 tỷ đồng, rơi gần như hoàn toàn so với mức 269 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là lợi nhuận quý thấp nhất của Công ty kể từ khi “ôm lỗ” trong quý 2/2021.

Nhóm vận tải đường thủy góp mặt cả 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 2/2023, gồm Dịch vụ Vận tải và Thương mại (HNX: TJC); Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (HNX: PTS).

TJC lỗ 2.5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 8.5 tỷ đồng, do kỳ này Công ty chỉ còn khai thác 1 tàu Transco Glory (quý 2 năm ngoái khai thác 2 tàu); đồng thời, mặt bằng giá cước giảm 30% cũng như chi phí nhiên liệu và chi phí đầu vào neo ở mức cao gây ảnh hưởng hoạt động.

Còn PTS gánh lỗ 1 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng, do thị trường đóng mới, sửa chữa vẫn gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu lĩnh vực sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy (toàn bộ hoạt động của công ty con) giảm mạnh.

Cùng nhóm có Vận tải Xăng dầu Vipco (Vipco, HOSE: VIP) và CTCP MHC (HOSE: MHC) là 2 đơn vị chuyển lãi trong quý 2, nhưng không phải nhờ vào hoạt động cốt lõi mà từ hoạt động tài chính.

Riêng MHC lãi lớn gần 47 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi chứng khoán và hoàn nhập dự phòng giảm giá cổ phiếu. Những quý gần đây, MHC mang dáng dấp của một quỹ đầu tư hơn là một doanh nghiệp vận tải, với danh mục cổ phiếu liên tục duy trì ở mức 400 - 600 tỷ đồng.

Còn VIP lãi hơn 35 tỷ đồng, cải thiện từ mức lỗ 9 tỷ đồng cùng kỳ, nhờ vào lãi tiền gửi tăng mạnh, cộng thêm việc không phát sinh chi phí lãi vay do đã trả trước toàn bộ gốc vay thực hiện các dự án đầu tư.

3 doanh nghiệp về đích sớm

Kết thúc 2 quý đầu năm, có 3 doanh nghiệp logistics vượt kế hoạch lợi nhuận 2023 gồm MAC, GMD và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT).

Doanh nghiệp logistics thực hiện kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023
(Đvt: Tỷ đồng)
(*) Lãi trước thuế
(**) Lãi ròng
Nguồn: VietstockFinance

Có 11 đơn vị hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận. Trong đó, Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) thực hiện 95% kế hoạch cổ đông giao phó khi thu về 69 tỷ đồng lãi ròng sau 6 tháng, tăng mạnh 91% so với cùng kỳ.

Ngược lại, TJC và Quản lý Đường sông Số 3 (HNX: DS3) kết thúc 6 tháng lỗ hơn 4 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng. Điều này đưa lỗ lũy kế tính đến giữa năm nay của DS3 lên gần 32 tỷ đồng.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   ADG giải thể công ty liên kết về lập trình máy tính (28/08/2023)

>   Hủy phiên đấu giá cổ phần của VietCredit (26/08/2023)

>   ĐHĐCĐ bất thường 2023 của HBC bất thành (26/08/2023)

>   Vào tầm ngắm nhà băng lớn thứ hai Thái Lan, Home Credit Việt Nam đang kinh doanh ra sao? (26/08/2023)

>   PVFCCo và PVChem ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Nhà máy sản xuất nước Oxy già (26/08/2023)

>   VNI: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (25/08/2023)

>   HOSE: Thông báo thay đổi tên Công ty CKTV làm đại lý đấu giá năm 2023 (25/08/2023)

>   FIT: BCTC 6 tháng đầu năm 2023 (25/08/2023)

>   FIT: BCTC Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 (25/08/2023)

>   CII: BCTC quý 2 năm 2023 (25/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật