Doanh nghiệp dệt may gồng mình “hàng nào cũng nhận”, khó khăn hơn cả giai đoạn COVID-19?
"Khó khăn, chưa bao giờ từng khó đến vậy" - lời của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) nói về ngành dệt may năm 2023 trong cuộc gặp gỡ báo chí. Những khó khăn chung của toàn ngành đã thể hiện rõ trong bức tranh tài chính của các doanh nghiệp dệt may nửa đầu năm.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 18.6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu 45 - 47 tỷ USD cả năm nay.
Doanh thu và lợi nhuận “teo tóp”
Thống kê của VietstockFinance cho thấy, trong quý 2/2023, tổng doanh thu của 25 doanh nghiệp ngành dệt may trên sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt trên 17.1 ngàn tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đạt 30.9 ngàn tỷ đồng, giảm 18%.
Doanh thu giảm cùng với gánh nặng chi phí kéo lùi lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may. Riêng quý 2 chỉ đạt hơn 314 tỷ đồng, bốc hơi 75% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, con số này chỉ đạt 516 tỷ đồng, giảm 77%.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp dệt may
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) có lẽ là câu chuyện buồn nhất của nhóm dệt may khi ghi nhận doanh thu giảm mạnh nhất trong quý 2, vỏn vẹn 101 triệu đồng, rơi gần như toàn bộ so với 125 tỷ đồng cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của GMC giảm 98%, chỉ còn 8 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do hụt thu từ đối tác là Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL). Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm nay, GMC không còn khoản thu từ Gilimex, trong khi cùng kỳ hoạt động này đóng góp 224 tỷ đồng.
Chung cảnh tiêu cực, doanh thu quý 2 của GIL cũng tụt dốc 79%, xuống 269 tỷ đồng. Lũy kế bán niên giảm 84%, còn 426 tỷ đồng. Đây là hệ quả kéo theo sau lùm xùm GIL khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC - đối tác đóng góp phần lớn doanh thu cho GIL.
Xét về con số tuyệt đối, có 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ đồng, nhưng tăng trưởng rẽ hai hướng.
Cụ thể, “ông lớn” Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) dù đạt mức cao nhất với trên 3.9 ngàn tỷ đồng nhưng thụt lùi 18% so với cùng kỳ. Tương tự, May Việt Tiến (UPCoM: VGG) và Tổng Công ty May 10 (UPCoM: M10) cùng giảm lần lượt 4% và 17%, đạt gần 2.3 ngàn tỷ đồng và trên 1 ngàn tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu của Dệt Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), May Sông Hồng (HOSE: MSH) tăng 1% và 4% khi lần lượt đạt gần 2 ngàn tỷ đồng và trên 1.5 ngàn tỷ đồng.
Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp quý 2 của các doanh nghiệp đạt trên 1.7 ngàn tỷ đồng, giảm 44%; lũy kế 6 tháng gần 3.4 ngàn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt May Nam Định (UPCoM: NDT) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành lỗ gộp hơn 46 tỷ đồng trong quý 2 khi kinh doanh dưới giá vốn.
Lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Dệt may 7 (UPCoM: DM7), Damsan (HOSE: ADS), May Hữu Nghị (UPCoM: HNI) hay Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) là những doanh nghiệp “hiếm hoi” tăng trưởng lợi nhuận gộp.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp dệt may (%)
Nguồn: VietstockFinance
|
“Lớp áo” lợi nhuận xám màu
Lợi nhuận ròng quý 2 của các doanh nghiệp dệt may đạt hơn 314 tỷ đồng, đi lùi 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, con số này giảm 7%, xuống 516 tỷ đồng.
Có 12/25 doanh nghiệp chịu cảnh lợi nhuận ròng giảm trong quý 2. Trầy trật nhất là Vinatex (VGT), bốc hơi tới 98%, từ hơn 347 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng giảm 88%, còn hơn 62 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc VGT Cao Hữu Hiếu, đặc điểm lớn nhất từ quý 4/2022 đến 6 tháng đầu năm 2023 là đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. “Chưa bao giờ doanh nghiệp may quy mô vài ngàn lao động phải nhận đơn hàng 500 - 700 chiếc áo jacket, nhưng giờ phải làm, vì nếu không làm thì không có đơn hàng".
Tổng Công ty Việt Thắng (HOSE: TVT) và Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) “eo” không kém khi lợi nhuận gần như rơi toàn bộ trong quý 2, đạt lần lượt gần 2 tỷ đồng và 552 triệu đồng, bốc hơi 97 - 98%.
Lợi nhuận ròng các doanh nghiệp dệt may
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Thê thảm hơn cả là 3 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 2 gồm NDT, GMC và GIL, lần lượt ôm lỗ trên 49 tỷ đồng, gần 13 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng.
Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp lỗ , đồng thời là mức lỗ kỷ lục của NDT. Dệt may Nam Định cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu đầu vào và giá bông xơ biến động liên tục, giá bán các mặt hàng sợi cùng sản lượng bán ra trong nước cũng như xuất khẩu giảm mạnh.
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp tiếp tục gánh lỗ là Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, UPCoM: FTM) và Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM), lần lượt ở mức hơn 49 tỷ đồng và gần 7 tỷ đồng.
Đáng nói, FTM đã kéo chuỗi kinh doanh thua lỗ lên con số 18 quý liên tiếp từ đầu năm 2019, qua đó nâng tổng lỗ lũy kế tính tới cuối quý 2/2023 lên gần 894 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, Dệt may Huế (UPCoM: HDM), Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET) và ADS là những điểm son của ngành với tăng trưởng lợi nhuận đều trên 50%. Trong đó, HDM lãi gấp đôi cùng kỳ, đạt trên 25 tỷ đồng.
Quán quân lợi nhuận trong quý 2/2023 thuộc về MSH, đạt hơn 85 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, con số này đạt gần 111 tỷ đồng, giảm 41% và chiếm 22% lợi nhuận cả nhóm.
Một số cái tên khác cũng có kết quả đáng khích lệ giữa lúc thị trường đầy ảm đạm và tiêu cực như hiện nay là May mặc Bình Dương (UPCoM: BGD), VGG, HNI và TDT.
Sóng sa thải
Kết quả kinh doanh kém khởi sắc dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước có 217,800 lao động mất việc và 241,500 người bị giãn việc trong quý 2/2023. Chiếm gần 17% số lao động mất việc thuộc ngành dệt may.
GMC là một trong những đơn vị mạnh tay cắt giảm nhân sự để kiểm soát chi phí. Nửa đầu năm 2023, khoản chi phí nhân viên của Công ty giảm tới 77% so với cùng kỳ, từ hơn 31 tỷ đồng còn 7 tỷ đồng. Lượng nhân sự của Garmex cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 41 người tại thời điểm cuối tháng 6/2023, giảm 144 người so với cuối tháng 3 và giảm 1,941 người so với đầu năm. Nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty đã cắt giảm đến 3,769 nhân viên.
Điểm sáng “le lói”: hơn 12,000 người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc ngày nào - thông tin được ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc M10 chia sẻ tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/07. Ông Việt cho biết, đây được coi là thành công của M10 trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành.
Ở trường hợp của Vinatex, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cho biết, dù thiếu hụt đơn hàng, Công ty vẫn cố gắng giữ chân người lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9.2 triệu đồng/người/tháng. Hiện, quy mô người lao động tại VGT gần 62,000 người.
Khó khăn dần đi đến hồi kết?
Theo báo cáo ngành dệt may ngày 11/08, Chứng khoán VNDirect (VND) nhận thấy một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành dệt may sau khi giá trị xuất khẩu có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 05/2023.
Nhóm phân tích kỳ vọng 3 phân khúc trong chuỗi giá trị sẽ lần lượt phục hồi kể từ nửa cuối năm 2023 với các động lực hỗ trợ trong ngắn và trung hạn. “Khó khăn trong ngành dệt may đang dần đi đến hồi kết và phân khúc xơ sợi sẽ là phần đầu tiên thể hiện sự phục hồi” - trích từ báo cáo.
Tuy nhiên, VNDirect cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào như chip nhựa sản xuất từ dầu thô tăng trở lại. Các nguyên liệu nhựa thường phản ánh xu hướng tăng sau khoảng 3 đến 4 tháng.
Thế Mạnh
FILI
|