Dầu tăng hơn 2% khi Ả-rập Xê-út và Nga thắt chặt nguồn cung
Giá dầu tăng 2% vào ngày thứ Năm (03/08), khi Ả-rập Xê-út và Nga thực hiện các bước để thắt chặt nguồn cung vào tháng 9 và có thể lâu hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 1.94 USD (tương đương 2.3%) lên 85.14 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.06 USD (tương đương 2.6%) lên 81.55 USD/thùng.
Việc thiếu biến động giá mạnh trong những tuần gần đây đã làm giảm mức độ biến động của hợp đồng tương lai liền kề trong 30 ngày thực tế của dầu Brent xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Tại các thị trường dầu mỏ khác, hợp đồng dầu diesel tương lai của Mỹ tăng 2% lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Ả-rập Xê-út cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9, đồng thời cho biết thêm có thể kéo dài hơn thời gian đó hoặc giảm sâu hơn.
Sản lượng của Ả-rập Xê-út được dự báo vào khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Trong khi, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300,000 thùng/ngày trong tháng 9.
Những thông báo cắt giảm đó được đưa ra sau động thái hồi tháng 6/2023 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, nhằm hạn chế nguồn cung dầu đến năm 2024.
Các bộ trưởng OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày thứ Sáu (04/08) để xem xét thị trường.
Giá dầu cũng tăng bất chấp những lo ngại rằng một số ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục nâng lãi suất để làm giảm lạm phát dai dẳng, điều này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Tại Mỹ, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cất thất nghiệp tăng nhẹ trong tuần trước, trong khi tỷ lệ sa thải trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng khi các điều kiện thị trường lao động vẫn thắt chặt. Mặc dù thị trường lao động thắt chặt, một số chuyên gia phân tích cho biết triển vọng lạm phát tiếp tục tăng.
Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ trong tháng 7 cũng giảm do các doanh nghiệp đối mặt với giá đầu vào cao hơn mặc dù nhu cầu tiếp tục duy trì, cho thấy con đường dẫn đến lạm phát thấp có thể dài hơn và chậm hơn.
Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, ngân hàng trung ương nước này cam kết sẽ cung cấp nhiều nguồn lực tài chính hơn cho kinh tế tư nhân, cho thấy sự cấp bách mới từ Bắc Kinh nhằm củng cố niềm tin khi động lực kinh tế suy yếu.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|