Cử tri TP HCM lo lắng giá hàng hoá tăng sau khi tăng lương Theo Bộ Tài chính, cần tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá, để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời
Bộ Tài chính vừa có trả lời kiến nghị cử tri TP HCM về việc điều hành giá sau khi lương cơ sở tăng từ 1-7-2023. Cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi tăng lương sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng. Do đó, cử tri đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, tăng cường thanh tra, kiểm tra quyết liệt hơn để bình ổn giá, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Cử tri TP HCM lo lắng giá hàng hóa tăng sau khi tăng lương, Bộ Tài chính nêu giải pháp điều hành giá |
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá các mặt hàng nhìn chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Với việc tăng mức lương cơ sở cho 9 nhóm đối tượng từ 1-7-2023, Bộ Tài chính cho biết việc đánh giá tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tăng lương cơ sở cũng đã nằm trong kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt có việc tăng lương cơ sở, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá. Theo Bộ Tài chính, công tác điều hành giá sẽ được bám sát thực tiễn, linh hoạt, kịp thời để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường, các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa. Cơ quan này cũng nhấn mạnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Minh Chiến Người lao động
|