Cơn sốt hàng hóa nguội lạnh gieo sầu cho doanh nghiệp hóa chất
Khi cơn sốt hàng hóa kéo dài suốt 2 năm trở nên nguội lạnh, điểm tựa cho nhóm doanh nghiệp hóa chất cũng tan biến. Quý 2/2023 ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp nhóm phân bón - hóa chất giảm lãi. Có cái tên thậm chí lỗ nặng, mức chênh lệch giữa 2 quý lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Thống kê từ VietstockFinance trên 19 doanh nghiệp ngành hóa chất công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, chỉ 5 doanh nghiệp báo tăng lãi. Nhóm giảm lãi lên tới 14 doanh nghiệp, trong đó có 3 cái tên thua lỗ.
Ông lớn giảm lãi mạnh, giữ lại núi tiền mặt
3 ông lớn nhóm phân đạm đều giảm lãi trong quý 2/2023
|
Các doanh nghiệp lớn nhất nhóm phân bón - hóa chất phải chứng kiến một kỳ kinh doanh thê thảm so với cùng kỳ.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) báo lãi ròng quý 2 cao nhất trong nhóm hóa chất , đạt 843 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ, mức lãi của Đức Giang thấp hơn 53%.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý 2 lao dốc là do sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng giảm mạnh, vì sức mua thị trường đi xuống, kéo doanh thu đi xuống. Trong đó, phốt pho vàng giảm sản lượng 44%, doanh thu giảm 57%; WPA giảm sản lượng 43%, doanh thu giảm 8%; các loại phân bón giảm sản lượng 2.26%, doanh thu giảm 0.28%.
Tuy vậy, cũng cần chú ý rằng DGC nằm trong nhóm được hưởng lợi lớn từ cơn sốt hàng hóa cách đây 2 năm, tạo ra chu kỳ bùng nổ lợi nhuận từ quý 4/2021 - quý 4/2022. Nếu bỏ qua giai đoạn này, lợi nhuận quý 2/2023 sẽ là cao nhất lịch sử của ông lớn hóa chất.
Dù sụt giảm, lợi nhuận quý 2/2023 của DGC vẫn ở mức cao nhất lịch sử nếu không tính giai đoạn bùng nổ lợi nhuận |
|
Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, DPM) cũng báo lợi nhuận giảm sâu. Trong đó, DCM lãi ròng 289 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ; còn DPM lãi gần 101 tỷ đồng, giảm tới 92%.
Mức giảm sâu này, một phần do mức nền quá cao tại cùng kỳ, phần khác do giá phân bón trong kỳ giảm mạnh. DCM cho biết, tại quý 2/2023, giá bình quân các sản phẩm Ure giảm hơn 40% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn và chi phí bán hàng đều tăng, dẫn đến lợi nhuận lao dốc.
Dẫu kết quả đi xuống, năng lực tài chính của 3 ông lớn đều rất mạnh với núi tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn đang nắm giữ. Thời điểm cuối quý 2/2023, lượng tiền nắm giữ của DGC là 8.6 ngàn tỷ đồng; DCM và DPM lần lượt hơn 10.5 ngàn tỷ đồng và gần 8 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền này tạo ra một bệ đỡ tài chính đủ vững để 3 ông lớn tiếp tục vận hành và đầu tư trong thời gian tới. Như DGC cũng đang thực hiện các thương vụ thâu tóm, mở rộng đầu tư kinh doanh theo tiết lộ của Chủ tịch Đào Hữu Huyền tại ĐHĐCĐ 2023.
Ảm đạm
Phần lớn doanh nghiệp hóa chất phải báo lãi giảm trong quý 2
|
Giá các mặt hàng giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp khác lao đao, bao gồm cả nhóm Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam).
DDV (DAP - Vinachem) tiếp tục đối mặt với một quý giảm gần như toàn bộ lợi nhuận (99%). Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ phân DAP trong quý 2 tăng tới gần 60%, nhưng giá bán liên tục giảm sâu đã kéo doanh thu đi xuống; trong khi đó giá vốn và các mảng chi phí đều bật tăng mạnh. Các mảnh ghép quy tụ, DDV lãi ròng quý 2 chỉ gần 900 triệu đồng, cùng kỳ lãi 156 tỷ đồng.
DDV giảm gần như toàn bộ lợi nhuận so với cùng kỳ |
|
Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) cũng giảm hơn nửa lợi nhuận, còn 52 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu cũng vì doanh thu và giá bán các sản phẩm chính sụt giảm, như NaOH giảm 11% doanh thu, giá bán giảm 20%; HCL giảm 31% doanh thu, giá bán giảm 37%; H2SO4 giảm 54% doanh thu, giá bán giảm 48%.
Không quá ảm đạm là Phân bón Bình Điền (BFC) với lãi ròng gần như đi ngang, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ (đạt 53 tỷ đồng). Dẫu vậy, quý 1 thua lỗ đã kéo thành quả lũy kế 6 tháng của BFC lùi sâu. Sau nửa đầu năm, BFC đạt 32 tỷ đồng lãi ròng, giảm 74% so với cùng kỳ.
Chua chát nhất trong nhóm Vinachem phải kể đến Đạm Hà Bắc (DHB). Doanh nghiệp chứng kiến khoản lỗ sau thuế hơn 350 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 478 tỷ đồng, tương ứng mức chênh lệch tới gần 830 tỷ đồng). Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) lỗ nặng kể từ sau chuỗi lợi nhuận bùng nổ bắt đầu từ quý 3/2021.
Đạm Hà Bắc tiếp tục thua lỗ, thậm chí nặng hơn quý 1 |
|
Dẫu tình hình chung khó khăn, một số ít doanh nghiệp vẫn tăng lãi trong quý 2, như LAS, NFC và CPC. Trong đó, LAS (Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) báo lãi sau thuế quý 2 đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, dù thị trường sụt giảm, nhưng nhờ cơ chế bán hàng linh hoạt nên sản lượng tiêu thụ trong quý giá tăng, nhờ vậy có thể báo lãi tăng trưởng.
Một số cái tên ngược dòng xu hướng
|
Giá phân bón phục hồi, kỳ vọng quật khởi quý 3?
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), quý 3 sẽ là thời điểm tốt của nhóm doanh nghiệp hóa chất, với đà hồi phục của giá phân bón trên thế giới. Theo ước tính của BVSC, tính tới cuối tháng 07/2023, giá Urê thế giới đã tăng 60% kể từ vùng đáy giữa tháng 6.
BVSC nhận định, đà hồi phục của giá phân bón có nhiều yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên là Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chấm dứt có thể làm giá nông sản tăng mạnh, ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực, kéo theo giá Urê phục hồi ở nhiều quốc gia vì sức mua gia tăng.
Nguồn cung Urê cũng bị thu hẹp do các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Mặt khác, hàng tồn kho từ các nhà cung cấp Trung Quốc đã giảm hơn 75% so với cuối quý 2.
Bên cạnh đó, Ai Cập quyết định kéo dài thời gian cắt giảm khí đốt với các nhà sản xuất Urê trong nước. Được biết, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng Urê xuất khẩu toàn cầu năm 2022.
BVSC dự báo, giá Urê nội địa sẽ tăng trở lại vào khoảng từ quý 3 đến đầu quý 4 năm nay, do cả nước sẽ bước vào cao điểm mùa vụ, nhất là ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm. Đây có thể chỉ là tăng nhẹ, khó lòng tạo ra “cơn sốt” hàng hóa như 2021 - 2022, nhưng có khả năng là cú hích cho các doanh nghiệp như DPM, DCM… tìm lại đà tăng trưởng.
Hồng Đức
FILI
|