Cổ phiếu ngân hàng “bừng sáng” trong tháng 7
Cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục có tháng giao dịch bứt phá với thị giá và thanh khoản đều tăng mạnh.
Kết thúc tháng 07/2023, thị trường chứng khoán thể hiện rõ đà tăng mạnh mẽ với chỉ số VN-Index tăng đến 9.17% so với tháng 6/2023, tương đương tăng 102.72 điểm lên 1,222.90 điểm, đồng thời vượt lên vùng giá đỉnh cao nhất năm 2018 (tương ứng 1,211.34 điểm). Dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 31/07 cũng tăng 40.81 điểm so với cuối phiên 30/06 lên mức 635.61 điểm.
Vốn hóa được bồi đắp thêm gần 150 nghìn tỷ đồng
Trong tháng 07, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 149,647 tỷ đồng, lên mức gần 1.77 triệu tỷ đồng (tính đến 31/07/2023), tỷ lệ tăng tương đương 9% so với mức 1.62 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 6.
Nguồn: VietstockFinance
|
Vốn hóa ngành ngân hàng dâng cao nhờ đóng góp từ ba ông lớn “gốc” Nhà nước với BIDV (BID) tăng 9%, Vietcombank (VCB) tăng 8% và VietinBank (CTG) tăng 2%.
Bên cạnh đó, vốn hóa của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân cũng tăng cao. Với mức tăng 30%, SSB trở thành cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa tăng mạnh nhất hệ thống trong tháng qua, từ 55,190 tỷ đồng lên mức 71,525 tỷ đồng. Động lực thúc đẩy vốn hóa SSB tăng không chỉ đến từ thị giá tăng 8% so với cuối tháng 6 mà còn đến từ khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng hơn 413.4 triệu cp trong tháng qua, tỷ lệ tăng hơn 20% sau khi nhà băng này hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 và thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Các ngân hàng còn lại có thị giá tăng đẩy vốn hóa tăng theo là SHB (tăng 19%), VPB (tăng 12%), MBB (tăng 7%)…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVB có thị giá giảm mạnh nhất trong tháng 7, với mức giảm 4% kéo theo vốn hóa giảm tương ứng.
Có thể thấy, cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền giúp thị giá lẫn thanh khoản đều tích cực trong thời gian vừa qua khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ mở rộng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Trong kịch bản này, ngành ngân hàng sẽ thể hiện rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản tiếp tục dồi dào
Tháng 7 này có gần 196 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 11% so với tháng 6, tương đương tăng 19.6 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch tăng 13%, đạt gần 4,086 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
PGB là cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng qua, với hơn 8.2 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, gấp 42.5 lần so với tháng trước, trong đó có hơn 7.4 triệu cp/ngày được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Các ngân hàng cũng có thanh khoản tăng mạnh là VBB (gấp gần 5 lần), MSB (tăng 93%), SGB (tăng 79%)…
Ở chiều ngược lại, BVB có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, chỉ còn 386,084 cp/ngày, giảm 40% so với tháng trước.
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu với gần 22 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và gần 4 triệu cp/ngày được “sang tay”, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 25 triệu cp, giảm 17% so với tháng trước.
BAB là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 9,599 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị chỉ gần 135 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại bán ròng 2,757 tỷ đồng
Trong tháng 7, khối ngoại đã bán ròng gần 118 triệu cp ngành ngân hàng. Giá trị bán ròng đạt gần 2,757 tỷ đồng, gấp 2.6 lần tháng 6.
Nguồn: VietstockFinance
|
Cổ phiếu SHB tiếp tục được khối ngoại mua mạnh nhất với hơn 10 triệu cp (137 tỷ đồng) trong tháng qua. Trái lại, EIB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất, với gần 38 triệu cp, giá trị tương đương 756 tỷ đồng.
Khang Di
FILI
|