Cổ phiếu đường "nổi sóng" trước khả năng Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường
Sau tin Ấn Độ dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023, nhóm cố phiếu đường có đà bứt phá trong phiên giao dịch 24/08, một số mã tăng "kịch trần".
Kết phiên 24/08, cổ phiếu của CTCP Mía Đường Lam Sơn (HOSE: LSS) tăng trần lên mức 12,350 đồng/cp với 542,700 cp được khớp lệnh và dư mua trần gần 1.6 triệu đơn vị.
Tương tự, ông lớn CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) chứng kiến cổ phiếu tăng trần, khớp lệnh gần 3.3 triệu cp. Cổ phiếu CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) cũng tăng kịch trần lên mức 35,000 đồng/cp, tiến gần lên mức cao nhất lịch sử 37,000 đồng/cp (kết phiên 28/07) dù khối lượng khớp lệnh không cao chỉ 11,900 đơn vị.
Chủ thương hiệu Vinasoy - CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận hơn 2.8 triệu cp đã được “sang tay” với thị giá tăng 6.51% lên mức 49,100 đồng/cp. Cổ phiếu của CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS) cũng bứt phá 7.39% lên 216,500 đồng/cp - tiến sát lên đỉnh lịch sử 217,500 đồng/cp vào phiên 28/07 và đồng thời lọt top cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán hiện nay - thanh khoản gần 41 ngàn đơn vị.
Đà bứt phá của nhóm cổ phiếu mía đường diễn ra sau thông tin Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong vụ mùa tiếp theo bắt đầu từ tháng 10 tới - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sẽ khiến nguồn cung trên thế giới suy giảm đáng kể, đẩy thị trường vào một cú sốc cung mới, khiến giá hàng loạt loại lương thực, thực phẩm tăng lên theo.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá đường trên thị trường quốc tế đã liên tục neo ở mức cao, thậm chí có lúc lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định giá đường thế giới hạ nhiệt trong nửa cuối năm trong khi Việt Nam tiếp tục có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm do sản lượng đường của Thái Lan được dự báo thấp hơn nhiều so với mức sản xuất kỷ lục do giảm diện tích mía nhưng sản lượng xuất khẩu đã tăng gần đây.
Thế Mạnh
FILI
|