Bất động sản khu công nghiệp có hưởng lợi từ nhu cầu dồi dào quý 2?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn thì phân khúc bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là chịu ảnh hưởng ít nhất. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay cho thấy dấu hiệu khởi sắc của phần lớn doanh nghiệp trong phân khúc này.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng cộng 0.9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã được hoàn thành tại thị trường cấp 1 ở cả hai khu vực; trong đó, 60% nguồn cung nằm ở phía Bắc.
Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau cũng giúp phân khúc đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn ghi nhận mức hấp thụ tốt tại phía Bắc.
Trong khi đó, khách thuê thuộc các ngành sản xuất ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số những nhóm ngành tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, kho và xưởng xây sẵn ở miền Nam.
Theo ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, thị trường công nghiệp Việt Nam hiện được hưởng lợi từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá tiền Việt Nam ổn định; mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn. Đặc biệt, trước thực tế các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa khu vực hoạt động hoặc di dời khỏi Trung Quốc thì thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành điểm sáng bằng việc tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư.
Theo thống kê từ VietstockFinance, trong 24 doanh nghiệp (trên HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 2/2023, có tới 11/24 doanh nghiệp tăng lãi, 1 doanh nghiệp từ lỗ qua lãi, 11 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Quý 2 khả quan
Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2 là Xây dựng Số 3 Hải Phòng (UPCoM: HC3) khi lãi ròng gần 21 tỷ đồng, gấp 66 lần cùng kỳ năm trước; trong khi doanh thu thuần chỉ tăng 30%, đạt 15 tỷ đồng. HC3 cho hay, thị trường chứng khoán tăng nên công ty có lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính và lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán. Bên cạnh đó, lợi nhuận sản xuất kinh doanh từ xây dựng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến lãi ròng tăng.
Kế đến là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG), đạt doanh thu gần 15 tỷ đồng, tăng 210%; lãi 3.5 tỷ đồng, gấp 53 lần cùng kỳ.
Sonadezi Giang Điền (UPCoM: SZG) lãi kỷ lục trong quý 2 khi đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 222%. SZG cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 218%, do ghi nhận doanh thu cho thuê tài sản theo tổng số tiền nhận trước trong năm; doanh thu tài chính tăng 250%, do trong kỳ nhận được khoản cổ tức từ chứng khoán kinh doanh. Ngược lại, chi phí chỉ tăng 2 con số, nên SZG có được lợi nhuận tăng vọt.
Cùng họ, Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) đạt doanh thu 288 tỷ đồng, tăng 10%; lãi 96 tỷ đồng, tăng 57%. Sonadezi Long Bình (HNX: SZB) ghi nhận doanh thu 106 tỷ đồng, lãi hơn 41 tỷ đồng, đều tăng 10%.
Doanh nghiệp duy nhất chuyển lỗ thành lãi là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) khi đạt 711 tỷ đồng lãi ròng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 366 tỷ đồng, nhờ khoản doanh thu đột biến từ KCN với gần 2,078 tỷ đồng.
Xu hướng giảm lợi nhuận có thể kể đến như ông lớn Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (UPCoM: SNZ) lãi gần 204 tỷ đồng, giảm 18%, do lợi nhuận từ cổ tức và lãi chênh lệch tỷ giá giảm mạnh.
Gam màu tối
Trong khi những doanh nghiệp nhỏ kinh doanh khởi sắc, các ông lớn trong phân khúc bất động sản công nghiệp phần lớn đều giảm lãi so với cùng kỳ.
Điển hình như Becamex (HOSE: BCM), chi phí ngược chiều doanh thu, lãi quý 2 giảm 85%, còn gần 139 tỷ đồng. Ngoài đối mặt chi phí tăng 2 con số, BCM còn không được hoàn nhập quỹ lương hơn 54 tỷ đồng. Đồng thời còn có khoản lỗ khác hơn 96 tỷ đồng trong kỳ, nguyên nhân do BCM hạch toán âm gần 106 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư dẫn đến lãi giảm mạnh.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) có doanh thu trong quý chỉ đạt hơn 81 tỷ đồng, giảm gần 74%; lợi nhuận 23.5 tỷ đồng, giảm gần 80%.
Tổng Công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) giảm lãi 63%, còn gần 534 tỷ đồng; doanh thu 2,408 tỷ đồng, giảm 27%; nguyên nhân do các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định.
Với việc giá vốn tăng mạnh trong khi doanh thu đứng yên, lợi nhuận quý 2 của Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) chỉ còn 142 tỷ đồng, giảm 26%.
Doanh nghiệp duy nhất tiếp tục lỗ là CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (HOSE: FDC) với hơn 200 triệu đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 1.5 tỷ đồng.
KQKD quý 2/2023 của các doanh nghiệp BĐS KCN (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Còn nhiều việc phải làm sau 6 tháng đầu năm
Với kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý, KBC có được lãi 6 tháng đầu năm gần 1,652 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần cùng kỳ. Năm 2023, KBC đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4 ngàn tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, KBC thực hiện được 45% chỉ tiêu.
Còn CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) đạt mức lãi ròng hơn 26 tỷ đồng, tăng 54%. So với kế hoạch lãi sau thuế 164 tỷ đồng năm 2023, TIP mới thực hiện được hơn 17% mục tiêu.
Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm, các ông lớn lần lượt giảm lãi so với cùng kỳ; điển hình như Becamex với lãi ròng hơn 230 tỷ đồng, giảm tới 83%. So với kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất 2,263 tỷ đồng đề ra cho năm 2023, BCM chỉ mới thực hiện được gần 5%.
Kết thúc 6 tháng, IDC lãi ròng gần 682 tỷ đồng, giảm 59%. Năm nay Công ty đặt mục tiêu 2,525 tỷ đồng lãi trước thuế và sau nửa năm mới thực hiện được 41% chỉ tiêu.
Lãi ròng IJC giảm hơn 30%, còn gần 250 tỷ đồng. Với kế hoạch lãi sau thuế 500 tỷ đồng trong năm, IJC đã đi được một nửa.
Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) lãi ròng giảm 17%, còn 403 tỷ đồng. Với kế hoạch năm hơn 755 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, SIP thực hiện được 59% sau 6 tháng.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp mới đi được một đoạn đường ngắn của kế hoạch năm.
Kết quả 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp BĐS KCN (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh Tú
FILI
|