Băn khoăn số phận 520.000m2 ‘đất vàng’ trung tâm Hà Nội Hà Nội sắp có thêm quỹ "đất vàng" 520.000m2 trong khu vực nội đô để phát triển đô thị sau khi di dời 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch.
Nỗi lo nhà máy di dời, cao ốc mọc lên
Như VietNamNet thông tin, UBND TP Hà Nội vừa ban hành danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố (đợt 1), tổng diện tích khoảng 520.000m2 với một số cơ sở có diện tích rất lớn, nằm ở vị trí đắc địa.
Có thể kể đến như Nhà máy Bia Hà Nội thuộc Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (HABECO) tại địa chỉ 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, có diện tích hơn 52.000m2. Địa điểm này vẫn đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, xây trường THPT, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh. Ưu tiên bố trí các chức năng thương mại dịch vụ, công cộng, công trình hạ tầng xã hội.
Ghi nhận quanh khu vực, hiện có 3 tòa chung cư là Five Star Westlake, Golden Westlake và Sun Grand Thụy Khuê. Đây cũng là điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đối với khu đất 64.000m2, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long đang sử dụng tại địa chỉ 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Theo quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của thành phố và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.
Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi, tỷ lệ 1/500. Trong đó có 3 lô đất hỗn hợp với tầng cao công trình từ 35 – 49 tầng.
Trên tuyến đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi di dời các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở ô nhiễm nhiều khu "đất vàng" đã mọc lên các dự án chung cư, cao ốc. (Ảnh: Hồng Khanh) |
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia phản biện độc lập, việc thực hiện quy hoạch trên quỹ đất di dời cần phải cân nhắc và tính toán rất kỹ, nhất là việc “cấy” thêm cao ốc.
“Hà Nội quyết định di dời 9 cơ sở nhà, đất ra khỏi nội đô là việc lẽ ra không phải bây giờ mới làm. Việc này đã có chỉ đạo của Thủ tướng 10 năm nay, không phải chỉ riêng các nhà máy gây ô nhiễm mà cả các cơ quan, bệnh viện, trường học di dời ra khỏi nội đô nhưng đến nay vẫn rất ì ạch.
Nhà máy di dời, cao ốc mọc lên cũng không phải là vấn đề mới nhưng vẫn cần nhắc lại bởi đây là thực tế. Đã có nhiều chung cư cao tầng xây dựng trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy, gây áp lực lên hạ tầng không thể giải quyết được mục đích cốt lõi là giãn dân ở nội đô” – ông Tùng nói.
Điển hình tại quận Thanh Xuân – nơi trước đây được ví như thủ phủ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ của Thủ đô. Sau khi di dời các cơ sở công nghiệp khỏi khu vực này, những chung cư, tòa nhà văn phòng ùn ùn mọc lên.
Ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Tuân tuy chỉ dài 1km, nhưng đã có đến 3 dự án cao ốc mọc trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy. Cụ thể, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân trước đó là khu đất của một xí nghiệp xe buýt; dự án Thống Nhất Complex tại 82 Nguyễn Tuân vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất. Khu đất của Công ty Cổ phần Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân nay đã thành dự án TNR Goldseason với 4 tòa nhà cao từ 27 đến 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ...
TS. Trần Xuân Lượng, Chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân thẳng thắn cho rằng, chúng ta cứ hô hào di dời nhưng cả chục năm nay chưa làm được.
“Đây là bài toán lớn của Hà Nội nhưng những năm qua mới chỉ di dời về góc độ cơ học, vật lý. Việc để nhà máy di dời, cao ốc mọc lên, bản chất là do chúng ta quy hoạch về hạ tầng xã hội chưa ổn thành ra dời nhà máy đi rồi lại di dân về. Như sợi dây chun kéo ra rồi lại co lại như cũ. Thậm chí có những vấn đề còn khó giải quyết hơn trước khi di dời như về hạ tầng giao thông, môi trường…” – ông Lượng cho biết.
Phát triển bền vững hay kinh tế trước mắt?
Với quỹ đất 520.000m2 sau khi di dời 9 cơ sở nhà, đất, KTS Phạm Thanh Tùng đánh giá, đây là nguồn lực lớn của Hà Nội. Yêu cầu đặt ra khi thu hồi phải đánh giá đúng giá trị đất đai để trở thành nguồn lực để phát triển Thủ đô.
Hà Nội sắp có thêm quỹ ‘đất vàng’ 520.000m2 trong khu vực nội đô để phát triển đô thị khi di dời 9 cơ sở nhà, đất. (Ảnh: Hồng Khanh) |
“Lúc này việc di dời đi đang đặt ra cho chính quyền Hà Nội một quyết tâm chính trị rất lớn giữa phát triển bền vững hay kinh tế trước mắt. Việc tạo không gian xanh, không gian công cộng trên quỹ đất này như xây dựng trường học, trung tâm y tế, cụm nhà văn hoá, sinh hoạt cộng đồng là vô cùng cần thiết. Còn nếu lấy bất động sản để phát triển trước mắt thì có thể sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn nhưng cũng có thể phải đối mặt với vấn đề xã hội về quá tải hạ tầng, dân số, ách tắc giao thông…
Vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề này cần phải nghiên cứu rất khoa học, có tiến độ cụ thể đối với từng khu đất. Khi nhà máy chuyển đi muốn “cấy” vào đó một khu đô thị phải lý giải được vì sao lại như vậy” – ông Tùng nêu ý kiến.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, Hà Nội đang điều chỉnh chung quy hoạch Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội cũng chuẩn bị thông qua Luật Thủ đô với kỳ vọng tạo nên Hà Nội hiện đại, văn minh. Nguồn lực này không phải để xây cao ốc mà phải bám vào quy hoạch chung của Hà Nội là giãn dân ở nội đô, trung tâm ra các đô thị vùng ven thì mới hiện thực hoá được thành phố trong thành phố, đô thị vệ tinh.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ về chính sách để đảm bảo việc di dời phải gắn với người lao động đảm bảo cho người lao động về việc làm, hạ tầng đô thị, xã hội… sau di dời.
“Lợi ích doanh nghiệp suy cho cùng bài toán kinh tế của doanh nghiệp là lợi nhuận. Có thể việc di dời được tính toán khoa học nhưng trong quá trình triển khai thực hiện thì quá nhiều thay đổi bị biến dạng, méo mó không đúng với mục tiêu đề ra ban đầu.
Do đó, bài toán về quy hoạch là cần phải dự báo được các vấn đề trong tương lai cả ở nơi nhà máy đi và đến đặc biệt là dân số - yếu tố con người như điện, đường, trường, trạm… Việc sử dụng quỹ đất này cần phải được công khai, lấy ý kiến chuyên gia, người dân để người dân kiểm soát những quy hoạch đó. Đây là nội dung được quy định trong luật” - TS. Trần Xuân Lượng nói.
Hồng Khanh VietNamNet
|