Thông tư 06 tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân
Thông tư 06/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/06/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 có nhiều quy định tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
* Thông tư 06 hạn chế TCTD cho vay trường hợp nào mà HoREA kiến nghị sửa đổi?
Tại Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ 01/09/2023, NHNN đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế. Cụ thể như:
Thứ nhất, Thông tư 06 đã bổ sung thêm 01 Mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương, chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021. Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Một số nội dung chính quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06 như: quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC); giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu điện tử, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử (thẩm định và quyết định cho vay); giải ngân vốn vay... TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư.
Bên cạnh đó, để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động eKYC phục vụ việc cho vay bằng phương tiện điện tử, NHNN quy định cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu CCCD gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội; đồng thời, cũng phù hợp mục tiêu nghiên cứu, triển khai rộng rãi việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử rộng rãi vào các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (trong đó có hoạt động cho vay) đã được đặt ra tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, cũng như phương án, lộ trình NHNN, các TCTD đang tích cực phối hợp Bộ Công an (Cơ quan chủ quản) để kết nối khai thác CSDLQGvDC, CSDLQGvCCCD, VneID, thử nghiệm giải pháp triển khai xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định cơ chế cho phép triển khai việc eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi TCTD khác (tương tự eKYC mở tài khoản thanh toán). Như vậy, các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.
Thứ hai, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống. Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thứ ba, bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Cụ thể, tại Thông 39/2016/TT-NHNN hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khách áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có). Đơn cử như trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng A; đồng thời nếu khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi đối với một số các dịch vụ khách tại ngân hàng B. Theo đó, với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.
Thứ tư, bổ sung việc TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.
Thứ năm, Thông tư 06 không siết điều kiện cho vay đối với khách hàng. Theo quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 03 điều kiện gồm: (i) Mục đích vay vốn hợp pháp, (ii) Có phương án sử dụng vốn khả thi, (iii) Có khả năng tài chính để trả nợ. Đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng theo quy định tại Luật Các TCTD. Theo đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN hiện hành cũng áp dụng các điều kiện này. Cụ thể tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: (i) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; (ii) Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; (iii) Có phương án sử dụng vốn khả thi; (iv) Có khả năng tài chính để trả nợ.
Đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do TCTD và khách hàng thỏa thuận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng. Thực tế, thời gian qua, TCTD đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được TCTD đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay, nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với việc trả nợ ngân hàng.
Hàn Đông
FILI
|