SCIC lãi sau thuế hơn 3 ngàn tỷ sau 6 tháng, vượt kế hoạch năm
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 10/07/2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố đã vượt các chỉ tiêu về lợi nhuận so với kế hoạch, đồng thời đưa ra kế hoạch hoạt động trong 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, SCIC cho biết lũy kế 6 tháng đạt doanh thu 2,663 tỷ đồng, tương ứng 40% kế hoạch năm 2023. Lãi trước và sau thuế đạt hơn 3.2 ngàn tỷ đồng và hơn 3.08 ngàn tỷ đồng, vượt 10.5% và 6.2% kế hoạch năm (bao gồm khoản hoàn nhập trích lập dự phòng). Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nộp ngân sách ghi nhận 126 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, SCIC cũng đã tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm, UPCoM: DVN). Phần vốn có giá trị 1.54 ngàn tỷ đồng, chiếm 65% tổng vốn điều lệ của DVN (2.37 ngàn tỷ đồng).
Về công tác quản trị doanh nghiệp, lũy kế đến 30/06/2023, danh mục của SCIC có 113 doanh nghiệp với tổng vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 49 ngàn tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ 168.1 ngàn tỷ đồng. SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông Nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, hội nghị thống nhất thời gian tới, SCIC cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, với định hướng rõ nét hơn; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và những dự án then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển. Từng bước nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ.
Tái cơ cấu doanh nghiệp, quyết toán vốn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong 6 tháng cuối năm. Hiện, SCIC đã thực hiện được một số kết quả tốt, điển hình như Sông Đà, tuy nhiên còn một số doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh như Thép, VNA, Vinatex,... Công tác quyết toán vốn Nhà nước lần 2 tại các doanh nghiệp cần khẩn trương trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Về chiến lược, đề án tái cơ cấu, SCIC cơ bản đã thực hiện theo quy định, hiện đang hoàn thiện giải trình bổ sung. Đồng thời, SCIC cũng đang báo cáo các cấp thẩm quyền về một số doanh nghiệp liên quan đến nghị định, cơ chế tiền lương, các hoạt động của SCIC. Đây là những việc đang triển khai chậm và chưa đạt đúng mong muốn. Sau khi chiến lược được duyệt, SCIC sẽ có hành lang pháp lý cơ bản để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Ngoài ra, trong thời điểm kinh tế khó khăn, SCIC cũng cần có sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số... tại các doanh nghiệp.
Châu An
FILI
|