Niêm yết chéo cổ phiếu trên sàn NYSE
Niêm yết chéo (Cross-listing) là việc một công ty niêm yết cổ phiếu của mình trên nhiều sở giao dịch khác nhau. Điều này có nghĩa cổ phiếu của công ty có thể được mua và bán tại nhiều thị trường tài chính khác nhau, thường là ở các quốc gia khác nhau.
Công ty thường chọn niêm yết chéo để thu hút đầu tư từ nhiều thị trường hơn, gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu và tăng khả năng tiếp cận với các nguồn vốn mới. Tuy nhiên, việc niêm yết chéo cũng đòi hỏi công ty phải tuân thủ quy định và yêu cầu của mỗi sở giao dịch, nơi cổ phiếu được niêm yết.
Các tập đoàn đa quốc gia thường có xu hướng niêm yết cổ phiếu của mình trên nhiều sàn giao dịch khác nhau. Các công ty này có thể niêm yết cổ phiếu trên cả sàn giao dịch nội địa lẫn các sàn giao dịch lớn tại các quốc gia khác. Ví dụ tập đoàn đa quốc gia BP (British Petroleum) niêm yết cổ phiếu của mình tại cả Sở giao dịch chứng khoán London và NYSE.
Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng mở rộng. Vốn hóa sàn HOSE đã vượt 4 triệu tỷ đồng vào ngày 30/12/2022, tăng 68% so với thời điểm cuối năm 2017.
Khi quy mô thị trường chứng khoán nội địa mở rộng, cùng với đó là sự gia tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, tạo ra nhu cầu huy động vốn lớn hơn. Tuy nhiên, khả năng cung vốn của nền kinh tế chỉ có hạn nên việc huy động vốn trên thị trường quốc tế đang trở thành lựa chọn được nhiều doanh nghiệp nội địa quan tâm hơn.
Theo dữ liệu thống kê chưa hoàn chỉnh từ các thông báo về việc niêm yết chéo trên thị trường quốc tế từ phía các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ một số ít doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ lưu ký tại thị trường quốc tế như Cavico, Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, việc duy trì niêm yết gặp phải những khó khăn và sau một thời gian, những doanh nghiệp này đã chấm dứt việc niêm yết. Một số công ty khác như Vinamilk, FLC, Vietjet Air cũng đã lên kế hoạch nhưng không thành công hoặc chưa tiến hành. Đáng lưu ý, trong năm 2017, VNG (Vinagame) đã công bố thỏa thuận chào bán cổ phiếu lần đầu tại NASDAQ, và Vietjet Air đã dự kiến niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào thành công trong việc niêm yết chéo trên thị trường quốc tế. Do đó, việc niêm yết chéo, dù đã được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập từ năm 2006 nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực.
Niêm yết chéo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp niêm yết chéo trên các sàn giao dịch quốc tế là mở cánh cửa cho một lượng lớn nhà đầu tư toàn cầu có cơ hội mua cổ phiếu của mình. Sự gia tăng số lượng và đa dạng nhà đầu tư giúp tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là từ những nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp tại các thị trường phát triển. Việc này không chỉ giúp cải thiện tình hình tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp mà còn hỗ trợ định hình hướng phát triển dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Khi doanh nghiệp Alibaba của Trung Quốc niêm yết chéo trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào năm 2014, công ty đã thu hút được hơn 25 tỷ USD, trở thành IPO lớn nhất trong lịch sử. Sự kiện này không chỉ thu hút được vốn lớn mà còn tạo ra cơ hội để công ty mở rộng hoạt động ra toàn cầu.
Niêm yết chéo trên sàn giao dịch nước ngoài vừa khẳng định về khả năng tài chính và sức mạnh của doanh nghiệp vừa là biểu hiện về sự minh bạch và chính sách quản trị tốt. Doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận là một thực thể uy tín và đáng tin cậy trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ tạo ra một hình ảnh tích cực trong mắt nhà đầu tư, còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ đối tác, khách hàng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Niêm yết chéo giúp doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn, đồng thời là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường quốc tế. Việc này giúp tăng sự nhận biết về thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường hợp tác quốc tế và cùng lúc giảm rủi ro phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ có thể tận dụng được những cơ hội tài chính từ thị trường quốc tế, bao gồm việc tiếp cận với các nguồn vốn khác nhau như vốn vay ngoại tệ, vốn đầu tư từ quỹ đầu tư quốc tế, vốn huy động từ nhà đầu tư cá nhân... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng những biến động của thị trường tài chính như tỷ giá hối đoái, lãi suất... để tối ưu hóa hoạt động tài chính và gia tăng lợi nhuận.
Niêm yết chéo đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và minh bạch thông tin quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, còn tạo điều kiện để doanh nghiệp học hỏi và áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại, tốt nhất. Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp hội nhập sâu hơn vào thị trường kinh tế thế giới, tạo điều kiện cho việc hợp tác và mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, giúp cập nhật nhanh chóng các xu hướng, công nghệ mới, nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức một cách hiệu quả.
Những khó khăn
Cải thiện chất lượng báo cáo tài chính là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn niêm yết chéo trên thị trường quốc tế. Chuẩn mực kế toán tại các thị trường chứng khoán quốc tế thường tuân theo các nguyên tắc như IFRS (Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế) hoặc GAAP của Mỹ (Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung). Việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực này đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ và tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và hướng dẫn trong quá trình lập báo cáo. Ngoài ra, việc này cũng giúp tăng cường độ tin cậy và minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, làm tăng lòng tin của nhà đầu tư.
Việc niêm yết chéo đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ một loạt quy định về quản trị doanh nghiệp, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc cải thiện minh bạch, xây dựng hội đồng quản trị độc lập và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi của cổ đông. Điều này có thể yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng quản lý, thậm chí cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thách thức về ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là việc dịch các tài liệu và báo cáo ra ngôn ngữ của quốc gia niêm yết. Doanh nghiệp cần hiểu rõ và thích ứng với văn hóa kinh doanh cũng như cách thức giao tiếp và tương tác với nhà đầu tư và cổ đông tại quốc gia niêm yết. Điều này có thể yêu cầu đầu tư thêm vào đào tạo văn hóa và ngôn ngữ cũng như việc thuê các chuyên gia tư vấn hoặc đối tác địa phương.
Niêm yết chéo tại thị trường chứng khoán quốc tế cũng có nghĩa doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp lý tại thị trường niêm yết. Ngoài việc hiểu và tuân thủ luật pháp của quốc gia mà doanh nghiệp niêm yết, còn liên quan đến việc đối mặt với các rủi ro về quản lý. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng thông tin công bố, thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế có thể đòi hỏi đầu tư thêm về thời gian, nguồn lực và kỹ năng. Đây đều là những vấn đề quan trọng cần phải xem xét khi niêm yết chéo.
Kiến nghị
Dựa trên việc phân tích cơ hội và thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện niêm yết chéo, sau đây là một số giải pháp và kiến nghị để thúc đẩy hoạt động niêm yết chéo trong tương lai.
Tuyên truyền lợi ích của niêm yết chéo cho chủ doanh nghiệp và cổ đông: Cần tăng cường thông tin để cổ đông nhận thức được những lợi ích mà niêm yết chéo mang lại như giảm chi phí vốn, tăng giá cổ phiếu, tăng thanh khoản, cải thiện hình ảnh và uy tín doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động này và từ đó tạo ra các phương án huy động vốn quốc tế hợp lý.
Tăng cường hợp tác với sàn giao dịch thế giới: Cần tăng cường hoạt động hợp tác với các sàn giao dịch thế giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn nước ngoài. Cần ký kết thỏa thuận hợp tác với các sàn hàng đầu thế giới.
Tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý: Chính phủ cần thiết lập chính sách và quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn niêm yết chéo tại các thị trường quốc tế. Các cơ quan quản lý, như UBCKNN, nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp trong quá trình niêm yết chéo. Chính phủ và cơ quan quản lý nên xem xét hướng tới các tiêu chuẩn kế toán và quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế
Tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư quốc tế: Doanh nghiệp cần tìm kiếm và thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quốc tế có kinh nghiệm trong niêm yết chéo nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế và được hỗ trợ trong quá trình niêm yết chéo.
Hợp tác với các chuyên gia và tư vấn: Doanh nghiệp nên hợp tác với các chuyên gia và tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực niêm yết chéo và thị trường vốn quốc tế. Các chuyên gia này có thể cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình niêm yết chéo, đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Quốc Bình
FILI
|