Những giải pháp trọng tâm để ngành dệt may vượt khó khăn
Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp tiết kiệm, giảm tiêu hao và tìm kiếm thêm đơn hàng được xem là nhóm giải pháp trọng tâm để ngành dệt may bảo tồn nguồn lực trong khó khăn.
Nhận diện khó khăn
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 18.6 tỷ USD, giảm 17.6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy không được như kỳ vọng, song đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam để vượt qua thách thức.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex - doanh nghiệp "đầu tàu" trong ngành dệt may - nhận định, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị.
Trong bối cảnh đó, ngành dệt may của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến các vấn đề về tỉ giá, lãi suất, chi phí đầu vào...
"Nếu như doanh nghiệp duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Lê Tiến Trường phân tích.
Doanh nghiệp dệt may triển khai thực hành tiết kiệm trên toàn bộ hệ thống, trong đó tập trung vào tiết kiệm bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng
|
Trong các yếu tố năng lực cạnh tranh vĩ mô, Việt Nam đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa trở lại khi thay đổi chính sách chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng đầu thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh. Bên cạnh việc Trung Quốc mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang hiện rõ bởi quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.
Theo dự báo, ngành dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023, với mức tăng trưởng doanh số tương đối chậm, từ âm 2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường châu Âu (dự kiến chỉ còn 1-4%).
Ngoài ra, tổng cầu dệt may thế giới ước tính chỉ đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra COVID-19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Đồng nghĩa, dệt may tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao.
Thắt lưng buộc bụng
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Thắng cho biết, may Việt Thắng đã phải linh hoạt chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa khách hàng, mặt hàng, tập trung vào khâu thế mạnh nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất.
Với tình hình sản xuất kinh doanh như hiện nay, để duy trì được sản xuất cần phải thay đổi sáng tạo linh hoạt để tạo sự khác biệt, cố gắng duy trì và phát triển khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới trong và ngoài nước thông qua các kênh khác nhau. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp cụ thể như: Tự động hoá các khâu sản xuất chính, cân đối dây chuyền một cách hợp lý, tính toán mặt hàng sản xuất tối ưu, triệt để nhằm tiết kiệm nguyên liệu từ bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng.
Ngoài ra, may Việt Thắng sẽ tăng cường đầu tư vào khâu sản xuất vải thành phẩm, ổn định chất lượng khâu in nhuộm và hoàn tất để nâng cao hiệu quả, gia tăng lợi nhuận và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, để phát triển doanh số và mở rộng thị trường, chúng tôi sẽ tăng cường nhân lực cho bộ phận kinh doanh thị trường; áp dụng các hình thức khuyến khích như thưởng doanh thu, tăng cường khâu tiếp thị bán hàng qua các kênh khác nhau, bao gồm các kênh truyền thống và các kênh bán hàng online như Amazon, Alibaba, trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube…
Ngoài các biện pháp về đa dạng hóa mặt hàng, phát triển dòng hàng thế mạnh, may Việt Thắng còn triển khai thực hành tiết kiệm trên toàn bộ hệ thống, trong đó tập trung vào tiết kiệm bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng.
“Với bông xơ, vật tư, phụ tùng, chúng tôi tập trung tăng cường tuyên truyền về việc tiết kiệm trong sản xuất, áp dụng triệt để 5S vào trong sản xuất để giảm tiêu hao; tính toán bảo trì bảo dưỡng khoa học, hợp lý theo quy trình để đạt được hiệu quả về hoạt động máy móc nhưng vẫn giảm tiêu hao phụ tùng.
Đối với năng lượng, tính toán giờ cao điểm và thấp điểm trong sản xuất theo quy định của ngành điện lực để đạt hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng điện. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng kiểu cũ bằng các hệ thống chiếu sáng Led mới tiết kiệm năng lượng; lắp pin năng lượng mặt trời để có nguồn năng lượng xanh sạch đáp ứng một phần cho sản xuất; đầu tư chiều sâu vào các máy móc thiết bị mới sử dụng biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng…”, ông Nguyễn Quang Minh cho biết.
Tương tự, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cũng chia sẻ, May 10 triển khai triệt để tiết kiệm trên mọi lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Tiết giảm mọi chi phí không mang lại hiệu quả; sửa chữa, cải tạo các thiết bị cũ thành các máy chuyên dùng; sử dụng văn phòng phẩm tiết kiệm; tiết kiệm điện, nước sinh hoạt… Đồng thời, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thường xuyên được xem xét và ban hành lại các định mức về lao động, nguyên phụ liệu…
Bảo tồn nguồn lực để vượt khó
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trước những yếu tố bất lợi về thị trường đã được nhận diện, Vinatex đã đặt ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Theo đó, bám sát diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao vai trò của các ban kinh doanh để có định hướng về thị trường và củng cố hệ thống quản trị rủi ro; hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói; phát triển nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng vận hành; tiếp tục nhiệm vụ chuyển đổi số cho công tác quản trị sản xuất, nhân sự, tài chính kế toán; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, bảo đảm việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác; đẩy mạnh công tác đổi mới công nghệ đối với công tác đầu tư mới và công tác đầu tư chiều sâu.
Về dài hạn, Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng đưa ra các mục tiêu xuyên suốt trong điều hành. Cụ thể, xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang; liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định, trong đó chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực doanh nghiệp vượt qua năm kinh doanh có nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực con người chất lượng cao và tài chính.
Vinatex sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Ông Lê Tiến Trường cho rằng, đây là giải pháp dài hạn xây dựng niềm tin trên cơ sở thực lực của doanh nghiệp, năng lực đem lại hiệu quả tối ưu cho toàn chuỗi.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng sẽ thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG), xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm với toàn bộ người tiêu dùng và thế giới nói chung; tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn; đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ; lấy nhân lực làm đột phá để tạo tăng trưởng chủ yếu từ nhân tố năng suất tổng hợp trong quá trình phát triển tới đây. Đồng thời, tái cấu trúc hệ thống công việc, làm tăng độ hấp dẫn, linh hoạt, đi đôi với cải thiện thu nhập để đáp ứng tốt yêu cầu của nguồn lao động chất lượng cao.
Nhật Quang
FILI
|