Nhựa Việt Nam lỗ quý 2, bị nợ xấu hơn 67 tỷ
CTCP Nhựa Việt Nam (Vinaplast, UPCoM: VNP) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023, với doanh thu thuần gần 21 tỷ đồng và lỗ ròng gần 5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Vinaplast
Đvt: Tỷ đồng
|
Hụt cổ tức, lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh, liên kết
Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 của Vinaplast đạt gần 21 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước và lỗ gộp gần 10 tỷ đồng. Theo Vinaplast, doanh thu giảm so với cùng kỳ do những khó khăn chung của nền kinh tế và lỗ gộp do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 16% còn gần 7 tỷ đồng, do quý 2 không phát sinh cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh, liên kết như cùng kỳ. Doanh thu tài chính chủ yếu từ lãi từ tiền gửi, cho vay (gần 3 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá gần 4 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý 2, Vinaplast đang đầu tư vào Công ty TNHH Nhựa và Hóa Chất TPC Vina (15%), CTCP Nhựa Vân Đồn (21%) và Công ty TNHH Liên Doanh Việt Thái PlastChem (gần 28%). Ngoại trừ Nhựa Vân Đồn hoạt động sản xuất sản phẩm nhựa plastic, hai công ty còn lại đều có hoạt động chính là sản xuất hạt nhựa PVC.
Nguồn: BCTC Công ty
|
Tại ĐHĐCĐ 2023 của Vinaplast (diễn ra ngày 19/06), Chủ tịch HĐQT - bà Lê Ngọc Diệp cho biết TPC và Việt Thái là 2 đơn vị Vinaplast không có vốn chi phối nhưng là đơn vị kinh doanh liên kết, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận Vinaplast. Do tình hình thị trường 6 tháng cuối năm 2022, 2 đơn vị này đặt kế hoạch 2023 giảm 50% so với năm trước nên lợi nhuận chi cho Vinaplast cũng giảm theo.
“Nhưng đây là 2 đơn vị thuộc nhóm tốt của ngành nhựa, tuy có giảm chỉ tiêu lợi nhuận nhưng họ vẫn chia cổ tức và đảm bảo nguồn thu cho Vinaplast”, bà Diệp chia sẻ.
Tổng Giám đốcVinaplast - ông Phan Trung Nam cũng cập nhật về tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp này. Tính tới tháng 5/2023, doanh thu của TPC đạt 1,149 tỷ đồng (so với kế hoạch năm là 4,931 tỷ đồng), còn lợi nhuận khoảng 39 tỷ đồng (kế hoạch năm 200 tỷ đồng), dự kiến chia cổ tức 22 tỷ đồng cho Vinaplast. Còn về Việt Thái, tính đến tháng 5/2023, doanh thu đạt 117 tỷ đồng (kế hoạch năm là 386 tỷ đồng), lợi nhuận khoảng 6 tỷ đồng (kế hoạch là 17 tỷ đồng), cổ tức dự kiến chia cho Vinaplast là 5 tỷ đồng.
Lãi từ công ty liên doanh, liên kết cũng giảm đáng kể 78%, xuống còn gần 3 tỷ đồng.
Về chi phí, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) giảm 34%, xuống còn hơn 1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20%, xuống gần 2 tỷ đồng; trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ 2%.
Quý 2, Vinaplast lỗ ròng gần 5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần Công ty hơn 36 tỷ đồng, giảm đến 78%; lỗ ròng gần 8 tỷ đồng, cùng kỳ hơn 41 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinaplast đặt kế hoạch doanh thu thuần (riêng) gần 179 tỷ đồng, lãi sau thuế (riêng) hơn 51 tỷ đồng. Như vậy, Vinaplast đã thực hiện được 20% kế hoạch doanh thu và còn khoảng xa mới đạt được lợi nhuận sau thuế.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023
Nguồn: Vinaplast
|
Nợ xấu hơn 67 tỷ đồng, chưa xác định giá trị có thể thu hồi
Về cơ cấu tài chính, đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản Công ty hơn 409 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho gần 89 tỷ đồng, giảm 8% (chưa tính trích lập dự phòng 23 tỷ đồng).
Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 14 tỷ đồng, giảm 45% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, nợ xấu hơn 67 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 68 tỷ đồng đầu năm, nhưng thuyết minh của Công ty không ghi nhận giá trị có thể thu hồi.
Nguồn: BCTC Công ty
|
Phía đối ứng, nợ phải trả của Vinaplast gần 124 tỷ đồng, giảm gần 4% so với đầu năm. Trong đó, lớn nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, gần 101 tỷ đồng, giảm gần 6%.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, biên bản họp ghi nhận có một cổ đông đặt vấn đề: “Dư nợ ODA 91 tỷ đồng và phương án khoanh giãn nợ đề nghị trả 40 tỷ đồng/năm nhưng chưa được phê duyệt thì Vinaplast giải quyết vấn đề này như thế nào? Nếu kéo dài dư nợ quá hạn, nợ lâu thì số lãi càng cao, vì sao không giải quyết dứt điểm khoản nợ này?”.
Chủ tịch Diệp cho biết: “Hiện tại, còn các khoản nợ ODA khoảng 90 tỷ đồng, nên chưa thể chia cổ tức cho cổ đông. Khi tiến hành bàn giao từ Bộ Công Thương qua SCIC, SCIC cũng đã có chỉ đạo đơn vị phải sử dụng nguồn tiền hợp lý và cố gắng hoàn thành khoản nợ ODA. Lãi vay ODA thấp, tại thời điểm vay là 3.2%, mức lãi suất quá hạn vẫn thấp hơn lãi suất khoản vay mới”.
Bà Diệp cho biết thêm, Vinaplast đã trả hết 20 tỷ đồng khoản nợ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, còn 13 tỷ đồng tiền lãi Công ty xin miễn nhưng chưa được duyệt. Theo quy định, nếu Công ty không hoàn thành tất cả khoản nợ này sẽ bị cưỡng chế thuế, nhưng do chưa có các văn bản hướng dẫn nên Công ty không bị rơi vào trường hợp bị cưỡng chế thuế.
Giám đốc Nam bổ sung đối với phương án khoanh giãn nợ, mặc dù chưa được phê duyệt nhưng Vinaplast vẫn cần nguồn tiền để duy trì hoạt động, nếu dùng hết số tiền đang có để trả nợ ODA thì các năm sau, Công ty sẽ không có tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.
Kha Nguyễn
FILI
|