Ngân hàng ADB Việt Nam có Giám đốc Quốc gia mới Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã bổ nhiệm ông Shantanu Chakraborty, người Ấn Độ, làm Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa có thông báo bổ nhiệm ông Shantanu Chakraborty làm Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam.
Ông Chakraborty kế nhiệm ông Andrew Jeffries, người đã kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc Quốc gia vào ngày 27/4.
Ông Chakraborty sẽ lãnh đạo các hoạt động của ADB tại Việt Nam, đại diện cho ngân hàng trong đối thoại chính sách và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ của ngân hàng với chính phủ và các bên hữu quan khác.
Ông sẽ giám sát việc triển khai chiến lược đối tác quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2023-2026, tập trung vào sự chuyển dịch của Việt Nam sang nền kinh tế xanh, khai thác tiềm lực của khu vực tư nhân.
Ông Chakraborty cho biết, trong 30 năm qua, Ngân hàng ADB là một đối tác tin cậy của Chính phủ và người dân Việt Nam. ADB đang tiếp tục hỗ trợ dưới hình thức cho vay và ngoài khoản vay để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng đều và nền kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt tại Việt Nam, đồng thời xây dựng nền tảng cho quốc gia đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2023.
Ông Chakraborty, quốc tịch Ấn Độ, có bằng thạc sĩ quản lý tại Học viện Quản lý Ấn Độ; bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh về tài chính của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York; và bằng kỹ sư của Viện Công nghệ và Khoa học Birla, Pilani ở Ấn Độ.
Ông Shantanu Chakraborty là Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam. (Ảnh: ADB) |
Trước khi gia nhập ADB, ông Chakraborty đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính dự án và ngân hàng đầu tư ở Ấn Độ (với ngân hàng ICICI) và Hoa Kỳ (với các ngân hàng UBS Warburg và Landesbank Hessen Thuringen).
Tuần trước, Ngân hàng ADB công bố Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 7 năm 2023 (Asian Development Outlook - ADO), trong đó hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%, và từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024.
Theo ADB, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.
Trước đó, một số tổ chức cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp, tương ứng 4,14% và 3,72%.
Kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2023. Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park cho rằng, châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Tuy vậy, theo vị này, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm.
Mạnh Hà VietNamNet
|